kể ra cuộc Cải cách tôn giáo (1), cuộc biến đổi tiến bộ của lao động thành hàng
hoá tiếp theo sau việc trưng thu những tiểu nông (2) và sự phát triển của thương
mại và của một giai cấp thương nhân.
Chủ nghĩa trọng thương (le mercantilisme)
Những khám phá lớn vào cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI đã cho phép những
tiến bộ của hàng hải và công cuộc thuộc địa hoá châu Mỹ. Tiếp theo đó là sự phát
triển của cuộc giao thương xuyên Đại Tây dương và nhất là hiện tượng vàng, bạc
từ châu Mỹ đổ về châu Âu. Người ta ước lượng rằng trong vòng một thế kỷ số
lượng tồn các loại quý kim lưu hành ở châu Âu đã tăng lên gấp tám lần! Hậu quả
là, giá cả và lãi suất cũng tăng lên theo và điều đó kích thích giao thương. Đồng
thời hình ảnh các thương nhân cũng được cải thiện.Thời Trung cổ, Nhà thờ Thiên
chúa giáo dạy cho tín đồ: "Không một người Cơ đốc nào lại đi làm con buôn"!
Trong khung cảnh đó, người ta hiểu rằng tư tưởng kinh tế cũng đã có thể bắt đầu
thủ đắc một sự tự trị nào đó. Adam Smith đã mệnh danh là "hệ thống trọng
thương" hay chủ nghĩa trọng thương, sự suy nghĩ về kinh tế diễn ra vào khoảng
giữa thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVIII. Mục tiêu của những người trọng thương
không còn thuộc về lãnh vực đạo đức hay tôn giáo nữa. Họ tìm kiếm sức mạnh
của quốc gia qua trung gian việc làm giàu của các thương nhân và nhất là những
nhà xuất khẩu, cho phép kiếm được những kim khí quý cần thiết cho việc trả
lương một quân đội mạnh. Kinh tế học được nhận thức như một ngành của khoa
học chính trị.
Lý thuyết kinh tế cổ điển (la théorie classique)
Adam Smith, Jean Baptiste Say, David Ricardo
Ngụ ngôn những con ong, mà tựa đề phụ là "tật xấu riêng, lợi ích chung", của
Bernard de Mandeville, đã cho phép tiến một bước quan trọng vào con đường tự
trị hoá cho đối tượng của tư tưởng kinh tế bằng cách giải phóng nó khỏi đạo đức
thông thường. Thực vậy, nó chỉ ra rằng chính khi tìm kiếm lợi ích cá nhân mà
người ta phục vụ tốt nhất cho lợi ích tập thể (sự hoà hợp tự nhiên giữa các quyền
lợi).