này; một sự thật không thể mất đi do sự ghi lại, cũng không thể mất đi khi ta bảo
lưu nó (aufbewahren). [Thế nhưng], bây giờ, buổi trưa này, ta nhìn lại cái sự thật
đã được ghi lại kia, ta buộc phải nói rằng, sự thật ấy đã ôi thiu rồi [đã lạc hậu].
Cái "bây giờ là ban đêm" được bảo lưu, tức là được đối xử đúng như điều nó tự
tuyên bố, như một cái đang hiện hữu, thế nhưng thực ra nó tự chứng tỏ như là
một cái không phải đang hiện hữu. Bản thân "cái Bây giờ" thì vẫn đứng vững
nhưng, như một "cái Bây giờ" không phải là ban đêm, cũng như nó vẫn đứng
vững trước cái ban ngày là cái Bây giờ của nó nhưng với tư cách một cái Bây giờ
[nói chung] cũng không phải là cái ban ngày, nghĩa là: bản thân cái Bây giờ tồn
tại như là một cái phủ định nói chung (ein Negatives berhaupt). Vì thế, cái Bây
giờ tự bảo tồn này không phải là một cái trực tiếp mà là một cái được trung giới,
vì nó được xác định như một cái gì vẫn còn tồn tại và đứng vững thông qua sự
kiện: cái khác, - đó là ban ngày và ban đêm - không hiện hữu. Bằng cách ấy, nó
vẫn đơn giản như là nó trước đó, như là cái Bây giờ, và trong tính đơn giản này,
nó dửng dưng trước những gì còn xảy ra nơi nó: ban đêm và ban ngày không phải
là sự tồn tại của nó, mà nó cũng không phải là ban ngày và ban đêm; nó không hề
bị cái_tồn_tại_khác_này của nó tác động. Một cái đơn giản như thế, [tức] cái tồn
tại thông qua sự trung giới của sự phủ định, không phải cái này cũng không phải
cái kia; một cái không phải cái này và cũng dửng dưng với việc tồn tại như cái
này hay cái kia, ta gọi đó là một cái phổ biến (ein Allgemeines); vậy, trong thực
tế, cái phổ biến mới chính là cái đúng thật (das Wahre) của sự xác tín cảm tính.
Vậy là, chúng ta [trong cấp độ xác tín cảm tính] phát biểu về cái cảm tính như là
về một cái phổ biến, điều ta nói là: cái này, thì tức là nói: cái này phổ biến, hay là:
nó tồn tại, tức là cái tồn tại nói chung. Thực ra, trong xác tín cảm tính, ta không
hề [muốn] hình dung cái này phổ biến hay cái tồn tại nói chung, nhưng ta lại
[phải] nói ra cái phổ biến, hay nói khác đi, ta tuyệt đối không nói ra được điều mà
ta thực sự cho rằng (meinen) ở trong sự xác tín cảm tính này. Như ta thấy, ngôn
ngữ là cái đúng thật hơn; trong ngôn ngữ [khi nói ra], bản thân ta bác bỏ trực tiếp
điều ta "cho rằng"; và bởi cái phổ biến là cái đúng thật của sự xác tín cảm tính, và
bởi ngôn ngữ chỉ diễn đạt cái đúng thật này thôi, thế thì rõ ràng: ta không bao giờ
có thể nói ra được [bằng từ ngữ] về cái tồn tại cảm tính mà ta "cho rằng" [hay ta
"muốn nói"].