TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI - Trang 1276

Tình hình cũng giống hệt như thế đối với hình thức khác [hình thức thứ hai] của
"cái này", đó là, với cái Ở đây. Ở đây ví dụ là cái cây. Tôi ngoảnh mặt đi thì sự
thật này đã biến mất và chuyển thành cái sự thật đối lập: cái Ở đây không phải là
một cái cây mà đúng ra là một ngôi nhà. Bản thân "cái Ở đây" thì không biến
mất, trái lại nó vẫn còn tiếp tục tồn tại trong sự biến mất của ngôi nhà, của cái cây
và của v.v… và dửng dưng với việc là nhà, là cây. Vậy, "Cái này" cũng lạitự cho
thấy là tính đơn giản được trung giới (vermittelte Einfachheit) hay nói cách khác,
như là tính phổ biến (Allgemeinheit).

Như vậy, khi sự xác tín cảm tính cho thấy nơi bản thân nó rằng cái phổ biến chính
là sự thật của đối tượng của nó, thì chỉ còn có sự tồn tại thuần túy mới như là cái
bản chất của nó, song không còn phải là cái tồn tại trực tiếp nữa mà là cái nơi đó
[quá trình] phủ định và trung giới là cốt yếu. Do đó, nó không phải là cái tồn tại
[trực tiếp] được ta "cho rằng" [tưởng có thể đạt được trong xác tín cảm tính], mà
là cái tồn tại với sự quy định rằng nó là sự trừu tượng hay là cái phổ biến thuần
túy; và tư kiến riêng của ta (unsere Meinung) - vốn cho rằng cái đúng thật của sự
xác tín cảm tính không phải là cái phổ biến - còn trơ lại đơn độc đối diện với cái
bây giờ và cái Ở đây trống rỗng hay dửng dưng.

Bây giờ, nếu ta so sánh mối quan hệ trong đó cái biết và đối tượng xuất hiện từ
lúc đầu với mối quan hệ giữa chúng khi đi tới kết quả nói trên, mối quan hệ này
đã tự đảo ngược. Đối tượng - vốn phải là cái bản chất - thì bây giờ lại là cái
không bản chất của sự xác tín cảm tính, bởi lẽ cái phổ biến mà bây giờ đối tượng
đã trở thành, không còn là một cái phổ biến như khi đối tượng phải là cái bản chất
đới với sự xác tín cảm tính nữa; trái lại, sự xác tín cảm tính nay đã chuyển sang
cái đối lập, tức là trong cái biết,- vốn trước đây là cái không-bản chất. Sự thật của
sự xác tín cảm tính là ở trong đối tượng nhưng là ở trong đối tượng của tôi hay
như là ở trong sự "cho rằng" của tôi; đối tượng sở dĩ tồn tại, vì Tôi biết về nó.
Như thế, sự xác tín cảm tính tuy đã bị xua đuổi ra khỏi đối tượng, nhưng qua đó
vẫn chưa được vượt bỏ (aufgehoben) mà chỉ bị đẩy lùi vào trong cái Tôi. Ta còn
phải tiếp tục xem kinh nghiệm khai mở cho ta những gì về thực tại này của sự xác
tín cảm tính.

Friedrich HEGEL, Hiện tượng học tinh thần, A, Ý thức.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.