trong cuộc đấu tranh rằng đối với nó, tồn tại này chỉ có giá trị như một cái [bị]
phủ định. Và trong khi CHỦ là quyền lực đứng trên sự tồn tại, còn sự tồn tại lại là
quyền lực đứng trên cái khác [NÔ], nên kết quả là: CHỦ có cái khác [NÔ] dưới
quyền lực của mình [bắt NÔ phải lệ thuộc vào mình]. Cũng cùng một phương
cách như thế, CHỦ quan hệ với sự vật một cách gián tiếp thông qua trung giới
của NÔ. NÔ, với tư cách là Tự- ý thức nói chung, cũng quan hệ với sự vật một
cách phủ định và thủ tiêu sự độc lập của sự vật; thế nhưng vì sự vật đồng thời là
độc lập-tự chủ đối với NÔ, do đó bằng tất cả sự phủ định, NÔ vẫn không thể đi
xa đến chỗ thanh toán dứt khoát, tức là hư vô hoá sự vật, mà nói cách khác, NÔ
chỉ lao động với sự vật thôi [bearbeiten: làm việc nhào nặn sự vật].
Ngược lại, đối với CHỦ, nhờ thông qua tiến trình trung giới này, mối quan hệ
trực tiếp trở thành sự phủ định thuần túy đối với sự vật; nói khác đi, [chỉ] là sự
hưởng thụ. Những gì ham muốn đã không thành công thì bây giờ thành công, đó
là thanh toán hoàn toàn sự vật và đạt được sự thỏa mãn trong việc hưởng thụ nó.
Điều này đã không đạt được bằng sự ham muốn [đơn độc] là bởi do tính độc lập-
tự chủ của sự vật; nhưng nay CHỦ đã đẩy NÔ vào giữa CHỦ và sự vật, nên qua
đó,chỉ quan hệ với mặt không độc lập-tự chủ của sự vật và hưởng thụ nó một
cách thuần túy; còn mặt độc lập-tự chủ của sự vật thì CHỦ nhường lại cho NÔ,
kẻ đang lao động [nhào nặn, và tạo hình thể] với sự vật.
Trong hai yếu tố này, CHỦ đạt được sự thừa nhận [hiện thực] thông qua một ý
thức khác; bởi trong các yếu tố này, cái ý thức khác thiết định mình như là cái
không-bản chất [đến hai lần]: một mặt là trong việc phải lao động với sự vật; mặt
khác là trong sự lệ thuộc vào một hiện hữu (Dasein) nhất định; trong cả hai
trường hợp, nó không thể trở thành chủ nhân đối với cái tồn tại [của sự vật] và
không đạt đến được sự phủ định tuyệt đối [sự vật]. Vậy ở đây đã có mặt một yếu
tố này của sự thừa nhận, đó là: cái ý thức khác tự phủ định cái tư cách tồn tại-
cho-mình, và qua đó, tự bản thân làm những gì cái [ý thức] thứ nhất làm để chống
lại nó. Yếu tố khác cũng có mặt như thế: việc làm của cái thứ hai chính là việc
làm riêng của cái thứ nhất, vì, những gì NÔ làm thực ra là việc làm của CHỦ.
CHỦ chỉ tồn tại cho mình, đó là bản chất của CHỦ; CHỦ là quyền lực phủ định
thuần túy, đối với CHỦ, sự vật là hư vô, vì thế, CHỦ là việc làm có tính bản chất
và thuần túy trong mối quan hệ này, còn việc làm của NÔ là không thuần túy,
không có tính bản chất. Thế nhưng, để có sự thừa nhận đích thực thì vẫn còn