TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI - Trang 1292

Vả chăng, bản thể sống động là cái tồn tại mà đích thực là Chủ thể, hay, cũng
đồng nghĩa như thế, là cái tồn tại chỉ thực sự là hiện thực (wirklich) trong chừng
mực Bản thể ấy là tiến trình tự thiết định chính mình (sich selbst Setzen) hay, là
sự TRUNG GIỚI giữa việc trở thành cái khác của mình VỚI chính mình (2).

Với tư cách là Chủ thể, nó [bản thể sống động] là tính phủ định đơn giản, thuần
túy; và cũng qua đó, là tiến trình phân hoá [hay phân đôi/ Entzweiung] cái đơn
giản hay là tiến trình nhân đôi-đối lập [tạo ra những yếu tố đối lập] (entgegen-
setzende Verdoppelung); rồi bản thân tiến trình ấy đến lượt mình lại là sự phủ
định đối với các tính khác biệt dửng dưng này [gleichgltige Verschiedenheit: tính
khác biệt không bản chất, không tự tồn] và đối với sự đối lập của nó [giữa các
yếu tố mà nó đã tạo ra]: chỉ có sự ngang bằng [sự đồng nhất] (Gleichleit) tự khôi
phục chính mình này hay sự phản tư vào trong chính mình ở trong cái tồn tại
khác (die Reflexion im Anderssein in sich selbst), - chứ không phải một nhất thể
nguyên thủy hay trực tiếp, xét như cái nhất thể nguyên thủy hay trực tiếp - mới là
cái Đúng thật (das Wahre). [Vậy], nó [cái đúng thật] là tiến trình "trở thành" của
chính mình (das Werden seiner selbst), là cái vòng tròn tiền-giả định chỗ kết thúc
như là mục đích của mình và có chỗ kết thúc làm khởi điểm của mình; và chỉ là
"hiện thực" thông qua tiến trình thực hiện đầy đủ chi tiết (Ausfhrung) và thông
qua chỗ kết thúc của nó.

Do đó, nếu muốn, ta vẫn có thể nói về đời sống của Thượng đế và "trí tuệ" thần
linh như là một sự tương tác (ein Spielen) của Tình yêu thương với chính mình;
nhưng, ý niệm này sẽ rơi xuống lãnh vực của việc "phấn khích tâm hồn"
(Erbauung) [chứ không phải của "tri thức"], thậm chí rơi vào sự nhạt nhẽo nếu
trong đó [Tình yêu thương] thiếu vắng sự nghiêm trọng, sự đau khổ, sự kiên nhẫn
và lao động [nỗ lực vất vả] của cái [yếu tố] phủ định. Đành rằng về mặt "tự-
mình" (an sich), đời sống thần linh là sự ngang bằng và thống nhất không chút
vẩn đục với chính mình, không xem là nghiêm trọng đối với "cái tồn tại-khác"
(Anderssein), với sự "tha hoá" (Entfremdung) cũng như với tiến trình khắc phục
sự tha hoá ấy. Nhưng, cái "tự mình" này là tính phổ biến trừu tượng, trong đó đã
tước bỏ đi [hay trừu tượng hoá] bản tính tự nhiên của nó là sự tồn tại "cho mình"
(fr sich sein), nghĩa là nói chung tước bỏ sự Tự-vận động của hình thức. Khi bảo
rằng hình thức là ngang bằng (gleich) [hay đồng nhất] với bản chất, thì chính
cách nói ấy là lý do tạo nên sự ngộ nhận rằng: sự nhận thức có thể chỉ cần làm

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.