vẫn dường như nằm ngoài phạm vi những mục đích chân thực cuối cùng của đời
sống. Và mặc dầu các hình tượng của một nhà nghệ sĩ không cản trở tính chất
nghiêm túc của các mục đích ấy mà, xét cho cùng, đôi khi lại còn giúp đỡ cho nó
vì chúng ít nhất là giúp ta tránh khỏi cái xấu thì ta phải thừa nhận rằng nghệ thuật
liên quan tới những giây phút tinh thần nhàn rỗi, thư thái, trong lúc đó, trái lại,
những quyền lợi trọng yếu đòi hỏi tinh thần phải căng thẳng. Do đó, cố gắng khảo
sát với tất cả tính nghiêm túc của khoa học cái mà tự thân là không nghiêm túc có
thể có vẻ là một điều hợm hĩnh kỳ quặc.
Theo một cách nhìn tương tự, dù cho ta chấp nhận tình trạng mềm yếu về tinh
thần do hứng thú nghệ thuật dẫn đến không phải là tình trạng nhu nhược tai hại,
thì nghệ thuật cũng vẫn là một điều xa xỉ. Do đó, nhiều khi đã nảy sinh như cầu
phải bảo vệ sáng tác nghệ thuật chống lại những người cho rằng nghệ thuật là một
điều xa xỉ đối với cần thiết thực tiễn nói chung và nhất là đối với đạo đức và tôn
giáo. Và bởi vì xét theo quan điểm này, nếu ta không thể nào chứng minh rằng
nghệ thuật là vô hại thì ít nhất chỉ còn cách hình dung sự việc như sau: những cái
lợi gắn liền với điều xa xỉ này của tinh thần vẫn nhiều hơn những cái hại mà nó
đưa đến.
Đứng trước vấn đề này, nhiều khi người ta cấp cho nghệ thuật những mục đích
nghiêm túc. Người ta đã cố gắng hình dung nghệ thuật là môi giới giữa lý tính và
cảm tính, giữa thiên chức và nhiệm vụ: nghệ thuật điều hoà những yếu tố vẫn
xung đột nhau này ở trong tình trạng đấu tranh gay go và đối lập nhau. Nhưng dù
cho có chấp nhận rằng nghệ thuật có những mục đích nghiêm túc hơn đi nữa, thì
lý trí và nhiệm vụ cũng không được lợi gì qua việc cố gắng tìm một mắt xích
trung gian như vậy. Sở dĩ thế là vì về thực chất, hai cái này không chịu đựng một
sự pha trộn nào hết và không thể xuất hiện ở trong tình trạng hoà giải như vậy -
bởi vì các yếu tố này đòi hỏi một tính chất thuần tuý mà chúng có được ở bản
thân. Đã thế, tất cả những điều này xem ra cũng vẫn chưa làm cho sáng tác nghệ
thuật trở thành một đối tượng xứng đáng với sự nghiên cứu khoa học hơn. Ở đây,
nói đến một sự phục vụ hai mặt: một mặt, là phải phục vụ những mục đích cao
hơn; một mặt, là phải phuc vụ những công việc nhàn rỗi hơn và phù phiếm hơn,
và trong khi phục vụ như vậy, nghệ thuật chỉ đóng vai một phương tiện chứ
không phải một mục đích tự thân.