các hình tượng nghệ thuật. Đối lập lại cái vương quốc của hình bóng là nơi ý
niệm ngự trị, chúng ta hướng về cái hiện thực vui tươi, tràn đầy nhựa sống.
Cuối cùng, các tác phẩm nghệ thuật là bắt nguồn từ các hoạt động tự do của trí
tưởng tượng phóng túng, trí tưởng tượng phóng túng khi xây dựng các hình tượng
mà nó tưởng tượng ra, vẫn tự do hơn là bản thân thiên nhiên. Không những nghệ
thuật có thể có được tất cả tính chất phong phú của các hình thức tự nhiên rạng rỡ
với vẻ đẹp muôn hình ngàn sắc của nó, mà nghệ thuật còn đi xa hơn nữa, và rút từ
trong trí tưởng tượng sáng tạo ra những cái vô tận của mình. Đứng trước sự
phong phú vô biên của trí tưởng tượng và các sáng tác tự do của trí tưởng tượng,
tư tưởng dường như mất dũng khí và sẵn sàng từ bỏ cái tham vọng nó vẫn ôm ấp
là giải thích hoàn toàn các hình tượng này của trí tưởng tượng phóng túng, đưa ra
lời xét xử của mình đối với chúng và quy cho chúng về những công thức phổ
biến.
Còn về khoa học thì về hình thức của mình, như nó giả thiết, khoa học lại gắn
liền với tư duy trừu tượng là cái làm chúng ta thoát khỏi cái khối lượng các chi
tiết. Vì vậy, một mặt, khoa học gạt bỏ tưởng tượng là cái bao giờ cũng mang ở
mình dấu ấn của tính ngẫu nhiên và tính võ đoán, tức là khoa học loại trừ chức
năng hoạt động và thưởng thức nghệ thuật.
Mặt khác, nếu như chúng ta đồng ý cho rằng nghệ thuật cần phải làm cho tính
chất khô khan cứng rắn của khái niệm thành sinh động, bổ sung các khái niệm
trừu tượng tẻ nhạt của khoa học bằng sức sống hiện thực và làm cho khái niệm
hoà hợp với hiện thực, do đó chấm dứt được tình trạng chia rẽ này, thì sự phân
tích nghệ thuật chỉ theo quan điểm tư tưởng mà thôi sẽ lại gạt bỏ, thủ tiêu mất
phương tiện bổ sung lẫn nhau do nghệ thuật sáng tạo ra, sẽ kéo khái niệm trở về
tính chất giản đơn không có sinh khí và tính chất trừu tượng hư ảo của nó.
Không những thế, về nội dung của mình, khoa học nghiên cứu một cái gì ở bản
thân mình là tất yếu. Và bởi vì mỹ học gạt bỏ cái đẹp của tự nhiên, cho nên ta có
thể cảm thấy rằng về mặt này không những ta không được lợi mà thậm chí còn
rời khỏi cái tất yếu càng xa hơn nữa. Đó là vì tự thân danh từ “tự nhiên” đã gợi
cho ta một biểu tượng về tính tất yếu và tính quy luật tức là về những quan hệ
thích hợp hơn với sự phân tích khoa học, với nhận thức khoa học. Trái lại, tinh