tượng trực tiếp tuy không bị xem là một điều lừa dối mà là một hiện tượng hiện
thực và chân thực, nhưng thực ra cái được tri giác trực tiếp chỉ che mờ và che đậy
cái chân thực mà thôi. So với tác phẩm nghệ thuật thì cái vỏ khô cứng của tự
nhiên và của thế giới đời sống hàng ngày làm cho tinh thần càng khó thâm nhập
vào ý niệm hơn.
Song trong khi dành cho nghệ thuật một địa vị cao như vậy, ta cần phải nhớ rằng:
nghệ thuật, về hình thức cũng như về nội dung, đều không làm thành một phương
thức cao hơn và tuyệt đối để cho tinh thần nhận thức được các hứng thú chân
chính của mình. Do hình thức của mình, nghệ thuật còn bị hạn chế bởi một nội
dung cụ thể. Chỉ có một phạm vi nhất định và một trình độ nhất định của cái chân
thực là có thể hiện bằng hình thức của tác phẩm nghệ thuật. Để cho một chân lý
nào đấy có thể trở thành nội dung thực sự của nghệ thuật, thì nội dung ấy phải có
khả năng được chuyển một cách thích hợp sang một hình thức cảm quan. Các vị
thần Hy Lạp chẳng hạn là thuộc loại chân lý như vậy. Đối lập lại điều này, còn có
một cách hiểu sâu sắc hơn về chân lý khi chân lý không phải là gần gũi, họ hàng
như vậy với cảm quan để cho chất liệu cảm quan có thể chấp nhận nó và cấp cho
nó một biểu hiện tương ứng. Chẳng hạn, các quan niệm Thiên Chúa giáo là như
thế; tinh thần thế giới ngày nay, nói đúng hơn tinh thần tôn giáo chúng ta và của
nền văn hoá chúng ta là được xây dựng trên một lý tính được nâng lên một trình
độ cao hơn so với trình độ trong đó nghệ thuật làm thành hình thức cao nhất để
nhận thức cái tuyệt đối.
Tính chất đặc thù của sáng tác nghệ thuật và của những sáng tạo của nó không
cho phép chúng ta thực hiện đòi hỏi cao nhất của mình một cách đầy đủ hơn.
Chúng ta đã bước ra khỏi cái thời đại trong đó người ta có thể thần thánh hoá các
tác phẩm nghệ thuật và sùng bái nó như sùng bái thần linh. Ấn tượng mà các tác
phẩm nghệ thuật ngày nay gây cho chúng ta đã mang tính chất lý trí hơn: các tình
cảm và các tư tưởng mà các tác phẩm nghệ thuật làm nảy sinh ở ta còn đòi hỏi
phải được một sự kiểm tra cao hơn nữa và được khẳng định căn cứ vào những
nguồn gốc khác. Sự suy nghĩ và tư duy đã vượt quá tác phẩm nghệ thuật. Nếu có
người nào thích than phiền và phủ nhận một tình trạng như vậy, thì anh ta có thể
cho rằng hiện tượng này là một triệu chứng của sự suy đồi và đổ lỗi cho tình
trạng ở thời chúng ta các dục vọng và các quyền lợi ích kỷ đã chiếm ưu thế và
giết chết cái thái độ nghiêm túc mà nghệ thuật đòi hỏi cũng như giết chết niềm