Cuộc hoà giải triết học với thực tại (La réconciliation philosophique avec la
réalité)
Trái với một tầm nhìn nông cạn về thế giới chỉ thấy trong lịch sử cái tiêu cực,
khoa học triết học lãnh hội cái tích cực trong lịch sử. Nó biết nhận ra sự nội tại
của tinh thần, của lý tính, trong thế giới. Tinh thần, lý tính là cái toàn thể. Như thế
triết học hoà giải chúng ta với thực tại và đem lại sự thanh thản tâm hồn.
Lãnh hội và thấu hiểu hiện tồn (ce qui est) đó là nhiệm vụ của triết học bởi vì
hiện tồn chính là Lý tính (1). Đối với những gì liên quan đến cá nhân, thì mỗi
người là đứa con của thời đại mình. Đối với triết học cũng thế: triết học nắm bắt
(2) thời đại của mình trong tư tưởng. Cũng thật là điên rồ khi kỳ vọng rằng một
nền triết học bất kỳ là triết học nào, lại có thể vượt qua thế giới đương đại để đi
đến một thế giới khác hơn, điều ấy chẳng khác nào giả thiết một cá nhân có thể
nhảy qua thời đại mình, có thể phi thân qua tảng đá vút cao sừng sững ở đảo
Rhodes. Nếu lý thuyết của triết học đó thực sự vượt qua thế giới hiện thể (le
monde tel qu’il est) để kiến tạo nên một thế giới nhiệm thể (un monde tel qu’il
doit être) thế giới đó có lẽ sẽ tồn tại, nhưng chỉ trong tư tưởng của người quan
niệm nó, nghĩa là trong một thứ sáp mềm mà bất cứ phóng tưởng nào cũng có thể
in dấu lên đó.
Cải tiến một chút tiêu ngữ trước đây, người ta có thể nói:
Đây là đoá hồng, phải nhảy múa ở đây.
Để tạo nên sự khác biệt giữa lý tính như là tinh thần tự ý thức và lý tính như là Ý
niệm, là sự cản trở của một sự trừu tượng hoá nó không thể tự giải phóng hay tự
chuyển biến thành khái niệm (3). Nhận ra lý tính như là đoá hồng trong cây thập
tự giá của hiện tại và thưởng thức nó, đó là tầm nhìn thuần lý nó tạo nên cuộc hoà
giải với thực tại, cuộc hoà giải mà triết học đem lại cho những ai mà một ngày kia
sẽ xuất hiện cái đòi hỏi nội tâm phải nhận được và duy trì tự do chủ quan trong
lòng cái gì là bản chất và đặt tự do này không phải trong cái gì đặc thù và ngẫu
nhiên (4) nhưng trong cái gì là tự thân và tự qui (ce qui est soi et pour soi).
Friedrich HEGEL, Nguyên lý triết học pháp quyền, Lời nói đầu.