Trong những thời gian ẩn cư lâu dài, Maine de Biran đọc rất nhiều: Locke,
Condillac và đặc biệt là Rousseau. Ông cũng viết nhiều, nhất là những bộ Hồi ký.
Tác phẩm chính của ông: Khảo luận về những nền tảng của tâm lý học (1812),
còn dang dở, cũng như quyển sách của ông, bị gián đoạn vì cái chết: Những Khảo
luận mới về nhân loại học.
KHẢO LUẬN VỀ NHỮNG NỀN TẢNG CỦA TÂM LÝ HỌC (Essai sur les
Fondements de la Psychologie)
Đối tượng của tâm lý học là bản ngã. Vì bản ngã là sự kiện nguyên sơ, vì nó là
cái nhờ đó tôi tự phân biệt với thiên nhiên, trong tính cách là tôi nhận ra những
tương quan với thiên nhiên đó mà tôi là thành phần. Tác phẩm gồm ba phần lớn:
1. Phần phê phán: Maine de Biran đem đối lập nhau chủ nghĩa duy lý của thế kỷ
XVII với những kỳ vọng hão huyền về tuyệt đối của nó và chủ nghĩa duy nghiệm
của thế kỷ XVIII, bất lực trong việc nhận ra tự ý thức và hoạt động của chủ thể.
2. Khám phá ra nỗ lực như là sự kiện nguyên sơ và nhờ đó, khám phá ra nguồn
gốc những ý tưởng triết học.
3. Phân tích những quan năng của con người.
Phê bình Descartes
Theo Maine de Biran, Descartes thiết lập mối liên hệ giữa tư duy và hiện hữu tự
quy, nhưng không thiết lập mối liên hệ giữa hiện hữu tự quy và hiện hữu tự thân,
nói cách khác với tâm hồn-bản thể, với "vật suy tư" (suy niệm thứ nhì, §7). Sự
đối lập giữa lý thuyết về linh hồn, mà yếu tính là suy tư (vậy là nó luôn luôn suy
tư) và kinh nghiệm về cảm thức thân thiết, được chính Descartes xác chứng, cho
chúng ta thấy rằng không phải lúc nào chúng ta cũng suy nghĩ. Cuối cùng, điều
kiện của một thông giác (aperception) bao hàm một tương quan. Nhưng chúng ta
thấy rằng bản ngã thân thiết là một hành vi, bởi vì chúng ta chỉ lãnh hội nó trong
hoạt động: tôi suy tư. Vậy là mối tương quan không thể là tương quan từ bản thể
đến cách thức, mà là tương quan từ nguyên nhân đến hiệu quả, tương quan chủ
động.