Trong quan điểm phản tư (1), và nếu tôi không ra khỏi sự kiện ý thức, tôi sẽ
không thể thấy bất kỳ nền tảng nào cho mệnh đề này: tôi là một vật suy tư (je suis
une chose pensante) (a), bởi vì tư tưởng được cảm nhận hay thông giác như là
cách thức căn bản hay thuộc tính nội tại của bản thể, theo cách là trong ý thức có
tình trạng nhị nguyên đối đãi thực sự (une véritable dualité) hay một tương quan
với hai hạn từ riêng biệt, mà một là bản thể và cái kia là cách thức hay thuộc tính.
Hẳn nhiên rồi, sự kiện ý thức không biểu thị cho chúng ta cái gì tương tự như vậy.
Khi tôi nói bản ngã và tôi làm chứng cho tồn tại của chính mình, thì đối với chính
tôi, tôi không phải là một đồ vật hay một đối tượng, mà tôi khẳng định sự tồn tại
bằng cách cho nó tư tưởng như là thuộc từ, nhưng là một chủ thể tự nhận thức và
tự khẳng định cho chính mình tồn tại của mình, với tư cách là chủ thể đó nhận ra
nơi nội tâm hay đang suy tư. Thông giác đó hay tư tưởng nội tâm đó, tạo thành tất
cả tồn tại của chủ thể, không thể là thuộc tính của một chủ thể khác lùi xa hơn,
bởi vì, bên ngoài bản ngã, không có gì cả đối với ý thức, nó lại càng không thể là
thuộc tính của một đối tượng, bởi vì vẫn còn chưa có đối tượng (2). Vậy là công
thức: tôi là một vật suy tư, bao hàm mâu thuẫn với sự kiện nguyên sơ, và ta phải
ra khỏi sự kiện này, hoặc sử dụng một quan niệm khác, để cho nó ý nghĩa của một
mệnh đề lôgích, phổ quát, tất yếu. Tuy vậy không nên kết luận rằng sự kiện ý
thức bị giới hạn vào chỉ một hạn từ, là chủ thể tuyệt đối (3). Trái lại, chúng tôi sẽ
cho thấy nó là một tình trạng nhị nguyên đối đãi thực sự, hay là một tương quan
với hai hạn từ có bản tính đồng chất (b). Cái gì trong ý thức cũng chỉ với tư cách
là tương quan; và để cho một tương quan ở trong ý thức, thì hai hạn từ của nó ở
đó cũng phải là, nếu không phải bản thể và thuộc tính, ít ra là nguyên nhân và
hiệu quả.
MAINE DE BIRAN, Khảo luận về những nền tảng của tâm lý học.
1. Nghĩa là nếu tôi bám vào sự hồi quy của chính mình lên chính mình (le retour
de soi sur soi).
2. Chủ thể tính hay ý thức chủ động không thể là thuộc từ cho một chủ thể, cũng
không cho một đối tượng.
3. Bản ngã của Biran không phải là một chủ thể thuần tuý; ông sẽ chứng tỏ nó là
tương quan, tương quan giữa lực với kháng lực.