"Thiên nhiên là thánh sủng ân cần" (La nature est la grâce prévenante). Đó là
Thượng đế nơi chúng ta, Thượng đế chỉ ẩn mình bởi vì Ngài ở quá sâu bên trong
chúng ta, trong thâm cung mật nhiệm nơi mỗi chúng ta, nơi mà chúng ta không
thăm dò cho tường tận.
Félix RAVAISSON, Về tập quán.
1. Ngược lại với tự do có suy nghĩ, ý thức về sự sở hữu của tinh thần bởi chính
mình.
2. Chẳng những không phải là cơ giới; mà thiên nhiên là ước vọng. Vậy mà ước
vọng chỉ có thể hiểu như là sự lôi cuốn về điều thiện.
CHÚC THƯ TRIẾT HỌC (Testament philosophique) - Di tác, 1901.
Ravaisson dần dần từ bỏ những nghiên cứu chuyên ngành về triết học để cống
hiến cho mỹ học và lịch sử nghệ thuật. Nhưng không vì thế mà ông từ bỏ tư biện
siêu hình. Ông thuộc về, như người ta nói, những kẻ "triết lý trên đá hoa cương"
(ceux qui philosophent sur les marbres).
Vẻ đẹp và vẻ duyên dáng (La beauté et la grâce)
Dưới vẻ cứng nhắc của các hình thể, ta phải hội thông với một đời sống bên
trong, cũng như trong tác phẩm đẹp và hài hoà, ta phải nhận ra vẻ duyên dáng, cái
"bước đi rắn lượn" (le serpentement) mà Léonard de Vince từng nói đến. Như thế,
vẫn luôn có một tương quan mật thiết giữa mỹ học và triết học.
Bây giờ hành động sáng tạo được khải lộ không phải trong những hình thể mà
trong những chuyển động mà vì chúng các hình thể được tạo ra, không phải bởi
vẻ đẹp mà còn bởi vẻ duyên dáng mà một nhà thơ (1) đã nói: còn đẹp hơn cả vẻ
đẹp (2). Những người Hy Lạp nói điều mà Vitruve (3) từng ưa lặp lại khi áp dụng
vào kiến trúc: vẻ đẹp có hai phần, sự đối xứng (la symétrie) và trạng thái điều
hoà/ phối hợp đắc nghi (l’eurythmie), mà cái sau cao hơn cái trước.
Sự đối xứng là tính tương ứng giữa các phần khiến chúng thông ước
(commensurables) với nhau, bởi vì đó là ý nghĩa của từ. Trong tất cả mọi sinh
vật, con người (a) là sinh vật mà tính cân đối hoàn hảo nhất, những thành phần