niềm tin cho phép sự hợp nhất những tinh thần. Comte sẽ tìm thấy những điều
này trong khoa học.
Chủ nghĩa thực chứng (le positivisme) là một triết học mà trong đó khoa học và
chính trị nối kết chặt chẽ với nhau. Nhưng chính là trong đà sinh thành lịch sử mà
quan niệm đích thực về khoa học được khải lộ. Luật tam tạng, được thiết lập bởi
tác giả vào năm 1822, mặc dầu từng được Turgot phát biểu trước đó, cho chúng ta
thấy loại tri thức nào là ảo tưởng (tri thức thần học và siêu hình học) và loại nào
là thực sự (tri thức thực chứng, nghĩa là khoa học). Như thế, một yếu tố mới, lịch
sử, được thêm vào khoa học và chính trị. Cuối cùng, vấn đề đối với Auguste
Comte là tiến đến hoàn thành khoa học trong lịch sử và tạo ra từ đó một cơ sở
triết học cho tổ chức chính trị, đạo đức và tôn giáo của nhân loại.
Trong khi nghiên cứu sự phát triển toàn diện của trí thông minh nhân loại trong
những lãnh vực hoạt động khác nhau, từ đà phát xuất đầu tiên đơn giản nhất của
nó cho đến ngày nay, tôi tin rằng mình sẽ khám phá một định luật lớn rất cơ bản,
mà sự phát triển này lệ thuộc vào bằng một tính tất yếu bất biến, và đối với tôi nó
dường như có thể được thiết lập một cách chắc chắn, hoặc là trên những chứng cứ
thuần lý được cung cấp bởi tri thức về tổ chức của chúng ta, hoặc trên những xác
chứng lịch sử do từ một khảo sát chăm chú đối với quá khứ (1). Định luật này hệ
tại chỗ là mỗi một trong những quan niệm chính của chúng ta, mỗi ngành của tri
thức chúng ta, đều lần lượt trải qua ba trạng thái lý thuyết khác nhau: trạng thái
thần học hay giả tưởng (l’état théologique ou fictif), trạng thái siêu hình hay trừu
tượng (l’état métaphysique ou abstrait); trạng thái khoa học hay thực chứng
(l’état scientifique ou positif). Nói cách khác, tinh thần con người, từ bản chất, kế
tiếp nhau sử dụng, trong mỗi một của những nghiên cứu của mình, ba phương
pháp để triết lý, mà tính cách cốt yếu khác nhau và ngay cả là triệt để đối nghịch
nhau: trước tiên là phương pháp thần học, tiếp đến là phương pháp siêu hình và
cuối cùng là phương pháp thực chứng. Từ đó, có ba loại triết học, hay hệ thống
tổng quát những quan niệm về toàn bộ các hiện tượng, chúng loại trừ lẫn nhau
(2): loại thứ nhất là khởi điểm cần thiết của trí thông minh nhân loại; loại thứ ba
là trạng thái ổn định và dứt khoát; còn loại thứ nhì chỉ để phục vụ cho sự quá độ
(3).