Trong trạng thái thần học, tinh thần con người, cốt yếu hướng những nghiên cứu
của mình về bản tính thâm sâu của các hữu thể, những nguyên nhân đầu tiên và
những cứu cánh sau cùng, tắt một tiếng, về những tri thức tuyệt đối, tự biểu thị
các hiện tượng như là những sản phẩm từ hành động trực tiếp và liên tục của
những tác nhân siêu nhiên mà sự can thiệp một cách võ đoán tuỳ tiện, giải thích
mọi điều bất thường xảy ra trong vũ trụ (5).
Trong trạng thái siêu hình, mà xét cho cùng chỉ là một sự cải biến tổng quát đơn
giản của trạng thái đầu tiên, những tác nhân siêu nhiên được thay thế bằng những
lực trừu tượng, những nguyên lý mơ hồ (6), được quan niệm như tự chúng có khả
năng sản sinh ra mọi hiện tượng trong vũ trụ.
Cuối cùng trong trạng thái thực chứng, tinh thần con người nhìn nhận không thể
đạt được những khái niệm tuyệt đối, từ chối việc tìm kiếm nguyên nhân và cùng
đích của vũ trụ và việc khám phá những nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng,
để chỉ quan tâm tìm hiểu, bằng cách phối hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và quan
sát những định luật nhân quả, nghĩa là những tương quan bất biến giữa chúng (7)
trong tính kế tục và tính tương tự (leurs relations invariables de succession et de
similitude). Sự giải thích những biến cố, lúc đó giản quy vào những hạn từ thực
tại (8), từ nay chỉ còn là mối liên hệ được thiết lập giữa những hiện tượng đặc thù
và vài sự kiện tổng quát, mà những tiến bộ của khoa học có khuynh hướng càng
lúc càng giảm bớt số lượng.
Auguste COMTE, Giáo trình triết học thực chứng, Bài 1.
Việc thiết lập luật tam trạng được đặt nền tảng cùng lúc trên tri thức về cơ cấu và
lịch sử của chúng ta.
Những quan niệm loại trừ nhau bởi nguyên lý của chúng, tuy không kế tục nhau
một cách thô thiển.
Trạng thái siêu hình là sự pha trộn những niềm tin thần học đã phai màu và những
dự cảm khoa học (tham chiếu: ý niệm Thượng đế của các triết gia và khoa học
trong thế kỷ XVIII).
Hướng về ba vấn đề chính: yếu tính, nguyên nhân và cùng đích.