1. Những người sống được dẫn dắt bởi nhóm ưu tú bất tử của nhân loại.
2. Câu này bổ sung và đào sâu tiêu ngữ của chủ nghĩa thực chứng: "Trật tự và
Tiến bộ".
BENTHAM
(1748 - 1832)
Là pháp gia (juriconsulte) ở Luân Đôn, nhà sáng lập và thủ lĩnh của chủ nghĩa
cấp tiến triết lý (le radicalisme philosophique), Jeremy Bentham khai triển, trong
những tác phẩm chính của ông, một thứ đạo đức vị lợi (une morale utilitariste).
Vả chăng hình như Bemtham là người đầu tiên sử dụng từ utilitarian để nêu lên
định hướng đạo đức của học thuyết mình.
Tính chất tốt hay xấu của một hành vi được đo lường theo tính lợi ích của nó,
nghĩa là theo cái gì đem lại cho chúng ta tối đa lạc thú và tối thiểu đau khổ. Tác
phẩm Dẫn nhập vào các nguyên lý đạo đức và pháp lý mở đầu bằng câu này:
"Thiên nhiên đã đặt nhân loại dưới sự điều khiển của hai người chủ tối cao: khoái
lạc và đau khổ. Chỉ có họ hướng dẫn cho chúng ta những gì chúng ta phải làm
cũng như xác định những gì chúng ta sẽ làm". Trong khi chỉ để ý đến yếu tố số
lượng, người ta sẽ thiết lập một thứ số học khoái lạc, số học đạo đức. Để lập ra
bài tính này, các khoái lạc sẽ được cân đo đong đếm bằng bảy hệ số: thời gian,
tính đa dạng, cường độ, tính thuần tuý, tính xa gần, chắc chắn hay không và cuối
cùng là quãng tính (extensité) nghĩa là số người liên can đến khoái lạc này. Thực
hiện như thế rồi, phép tính này giúp ta lượng hoá (quantifier) giá trị tỷ giảo của
những khoái lạc và khả tính lựa chọn có phương pháp.
Như người ta đã viết: "Các triết gia cấp tiến (les philosophes radicaux) bận tâm
nhất là những cải cách xã hội và chính trị, nhưng không một quyển lịch sử triết
học Anh quốc nào mà đầy đủ hay đúng nếu nó bỏ qua không nhắc đến các triết
gia này" (Harry Burrows Acton). Vấn đề, đối với các triết gia này là khích lệ một
cuộc cách tân hợp lý và triệt để luật lệ nước Anh bằng một nguyên lý vị lợi có thể
đem lại hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất. Những đại biểu chính của
phong trào này là Bentham, James Mill và con ông John Stuart Mill.