diện vì được chia phần hành vi dũng cảm của người cha, vì cô gái thuộc về chàng
một cách dịu dàng hơn là thuộc về người cha.
Sự khác biệt giữa người anh hùng của bi kịch và Abraham rất rõ ràng. Người anh
hùng bi kịch vẫn còn trong bình diện đạo đức. Ông cho phép cái đạo đức bộc lộ
cái telos (mục đích) của nó bằng một biểu hiện đạo đức cao hơn; ông hạ thấp mức
độ quan hệ đạo đức giữa cha với con trai hay con gái với cha xuống một tình cảm
có biện chứng của nó trong quan hệ với ý niệm về thái độ đạo đức. Ở đây không
thể có vấn đề tạm treo lửng chính cái đạo đức vì một mục đích cao hơn.
Nhưng trường hợp của Abraham thì khác. Bằng hành động của ông, ông đã vi
phạm toàn bộ cái đạo đức và có một telos cao hơn và ở bên ngoài cái đạo đức vì
mục đích cao hơn này. Bởi tôi muốn biết chắc chắn làm thế nào hành vi của
Abraham có thể được liên hệ với cái phổ quát, liệu có thể tìm thấy điểm gặp gỡ
nào giữa cái mà Abraham làm và cái phổ quát khác hơn là việc Abraham vi phạm
nó? Không phải để cứu một dân tộc, không phải để duy trì ý niệm về nhà nước
mà Abraham làm điều đó; không phải để làm các thần nguôi giận. Vì vậy, trong
khi người anh hùng của bi kịch trở nên vĩ đại vì nhân đức đạo đức của ông,
Abraham vĩ đại vì một nhân đức thuần tuý cá nhân. Không có biểu hiện đạo đức
nào trong đời sống của Abraham cao hơn là biểu hiện rằng người cha phải yêu
thương con mình. Cái đạo đức theo nghĩa luân lý thì hoàn toàn không đặt thành
vấn đề. Xét về phương diện sự có mặt của cái phổ quát, thì nó được ăn sâu trong
Isaac, và phải la to lên bằng miệng của Isaac: Cha đừng làm như thế, cha sẽ tiêu
diệt tất cả.
Vậy thì tại sao Abraham lại làm điều này? Vì Thiên Chúa và vì chính bản thân
ông - cả hai cũng là một. Ông làm thế vì Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa đòi hỏi
bằng những đức tin này của ông; ông làm thế vì chính ông để ông có thể chứng tỏ
nó. Sự thống nhất của hai điều này được diễn tả đúng đắn trong lời đã được dùng
để mô tả mối quan hệ này. Đó là một thử thách, một cám dỗ. Một cám dỗ - nhưng
có nghĩa là gì? Nói chung, cái cám dỗ một người là cái ngăn cản người ấy làm
bổn phận của mình, nhưng ở đây cám dỗ là chính cái đạo đức, ngăn cản ông thi
hành ý Thiên Chúa. Nhưng bổn phận là gì? Bổn phận là biểu hiện ý Thiên Chúa.