hành động, bởi vì vẫn có một bản ngã, mà một bản ngã lại là một diễn trình lớn
nhất, được tạo ra cho chính con người, nhưng cùng trong một lúc, nó lại là yêu
cầu của tính vĩnh cửu ở trên chính người ấy.
Sošren KIERKEGAARD, Khái niệm về Tuyệt vọng,
Phần I: Tuyệt vọng là ưu tư xao xuyến về cái chết.
FEUERBACH
(1804 -1872)
Học thần học tin lành và triết học ở Berlin, Ludwig Feuerbach theo những giảng
khoá của Hegel từ 1824 đến 1826. Năm 1830, quyển Những tư tưởng về cái chết
và sự bất tử của ông phát động một cuộc phê phán duy vật về tôn giáo. Quyển
sách này sẽ ngăn cản việc dạy đại học của ông. Năm 1836, ông định cư ở Bavière
gần cơ xưởng công nghiệp mà vợ ông là người thừa kế.
Mặc dầu sống ở miền quê, Feuerbach vẫn liên lạc thường xuyên với những môn
đệ Hegel cánh tả như Ruge, Bauer, Stirner. Năm 1839, ông cho đăng trong tạp chí
của nhóm luận văn "Góp phần phê phán triết học Hegel". Cái mưu toan đầu tiên
muốn đoạn tuyệt với tinh thần tuyệt đối đó tạo cho ông thành ngọn đuốc của cả
một thế hệ dứt khoát nói lời chia tay với hệ thống.
Từ 1839 đến 1845 là thời kỳ sáng tác sung mãn, "đầy chất cách mạng" (theo nhận
định của Althusser). Cốt tuỷ của cơ đốc giáo (1841) là một phê phán về một hiện
tượng vong thân tôn giáo; Những nguyên lý của một nền triết học tương lai
(1843) là một chuyển cung từ thần học sang nhân loại học; Cốt tuỷ của tôn giáo
(1845) trong đó chủ nghĩa nhân văn của Feuerbach ngả sang chủ nghĩa tự nhiên.
Những quyển khác sẽ tiếp theo, nhưng có phần lặp lại nhiều hơn. Mặc dù có cảm
tình với phong trào xã hội mới phát sinh, Feuerbach vẫn xa cách với chính trị.
Đám tang ông có hàng ngàn thợ thuyền theo sau quan tài tiễn ông về cõi… phi
vĩnh hằng! (Vì ông không tin có cõi vĩnh hằng. Nhưng cái cõi "phi vĩnh hằng"
này ở đâu nhỉ? Lại thêm một câu hỏi siêu hình thuộc dạng "bất khả tư nghị"!)
SUY TƯ VỀ CÁI CHẾT VÀ SỰ BẤT TỬ (Pensée sur la Mort et L’ Ìmmortalité)