người. Thượng Đế hoạt động để cho con người tốt và hạnh phúc. Chính như thế
mà con người ngay trong thời kỳ mà nó có vẻ như bị hạ thấp sâu xa nhất, thì
trong thực tế lại được xiển dương cùng cực (2). Chính như thế mà nơi Thượng Đế
và thông qua Thượng Đế con người không có mục đích nào khác hơn là chính
mình. Có lẽ con người lấy Thượng Đế làm mục đích, nhưng bởi vì Thượng Đế
không có mục đích nào khác hơn là sự cứu rỗi tinh thần vĩnh hằng cho con người;
vậy là con người chỉ còn có mỗi mục đích là chính mình. Hoạt động thần thánh
không phân biệt với hoạt động con người.
Và vả chăng làm thế nào mà hoạt động thần thánh lại có thể tác động trên tôi như
là trên đối tượng của nó, nếu đó là một hoạt động khác, một hoạt động cơ bản là
khác, và cũng thế làm thế nào mà nó tự đề ra một mục đích nhân văn, mục đích
cải thiện con người và đem lại hạnh phúc cho nó, nếu chính nó không phải là một
hoạt động nhân văn? Chẳng phải là mục đích quyết định hành động hay sao? Nếu
con người tự gắn cho mục đích là sự cải thiện đạo đức của mình chính vì nó có
những quyết định thiêng liêng và nuôi dưỡng những dự tính thiêng liêng; nhưng
nếu Thượng đế có mục đích là sự cứu rỗi con người, chính vì ngài có những mục
đích nhân văn và một hoạt động nhân văn đáp ứng cho những mục đích đó. Đó là
tình trạng con người chỉ có nơi Thượng Đế chính hoạt động của mình làm đối
tượng (3). Nhưng bởi vì nó chỉ quan niệm hoạt động của chính nó dưới hình thức
một hoạt động khách quan và tách biệt với nó, và chỉ quan niệm điều thiện dưới
hình thức một đối tượng, sự khích động và thôi thúc sẽ tất yếu đến với nó, không
phải từ chính nó mà từ đối tượng kia. Nó chiêm ngưỡng yếu tính của mình bên
ngoài nó (4), và yếu tính đó như là điều thiện. Lúc đó, quá hiển nhiên, và đó chỉ
là một kiểu trùng phức luận (tautologie), rằng sự thôi thúc về điều thiện cũng chỉ
có thể đến với nó từ chính cái nơi mà nó đã chuyên chở điều thiện.
Thượng Đế là cái chủ quan nhất và đặc thù nhất trong yếu tính của con người
được trích li và trừu xuất từ con người: như vậy con người không thể hành động
từ chính mình, bởi vì mọi điều thiện đến từ Thượng Đế. Thượng đế càng có tính
chủ quan và tính nhân văn và con người càng buông rơi chủ thể tính và nhân tính
của mình, bởi vì Thượng Đế chính là tự ngã bị phóng thể (5) của con người và
rằng tuy thế con người lại vội vàng chiếm hữu trở lại.
Ludwig FEUERBACH, Yếu tính của Cơ đốc giáo