Feuerbach khởi đi từ sự kiện tự vong thân tôn giáo (l’aliénation religieuse de soi),
từ hiện tượng nhị bội thế giới (le dédoublement du monde) thành một thế giới tôn
giáo và một thế giới phàm tục. Công việc của ông gồm ở chỗ giải quyết thế giới
tôn giáo thành cơ sở phàm tục. Nhưng sự kiện cơ sở phàm tục tự tách rời khỏi
chính mình để đi lập ra một vương quốc tự trị trên mây chỉ có thể được cắt nghĩa
bằng sự giằng xé và sự mâu thuẫn nội tại của chính cơ sở phàm tục đó (8). Vậy là
phải đồng thời hiểu cái cơ sở này trong sự mâu thuẫn của nó và cách mạng nó
một cách thực tiễn. Như thế, một khi người ta đã khám phá ra, chẳng hạn là, gia
đình trần gian là bí mật của gia đình thần thánh, thì lúc đó chính cái đầu tiên phải
được giản quy về hư vô, cả trên lý thuyết lẫn trong thực tiễn.
5
Feuerbach, không thoả mãn với tư tưởng trừu tượng, muốn trực quan (l’intuition)
(9); nhưng ông chỉ lãnh hội cái khả giác như là hoạt động khả cảm thực tiễn của
con người.
6
Feuerbach giải quyết yếu tính tôn giáo trong yếu tính con người. Nhưng yếu tính
con người không phải là một sự trừu tượng gắn liền với cá nhân xét cách riêng.
Trong thực tế, đó là toàn bộ những tương quan xã hội (10).
Feuerbach, vì không phê phán yếu tính thực tế này, do vậy buộc phải:
1. Trừu xuất khỏi dòng lịch sử và khảo sát cảm thức tôn giáo như một thực tại tự
thân, bằng cách tiền giả định một cá thể người trừu tượng cách biệt.
2. Từ đó yếu tính chỉ có thể lãnh hội như là chủng loại, phổ quát tính nội tại, câm
nín, nối kết một cách tự nhiên nhiều cá thể với nhau.
7
Đó là lý do tại sao Feuerbach không thấy rằng cái cảm thức tôn giáo chính nó
cũng lại là một sản phẩm xã hội và rằng cá nhân trừu tượng mà nó phân tích
thuộc về một hình thái xã hội nhất định (12).