cấp thống trị trước mình đều bắt buộc - dù chỉ là để đạt được mục đích của mình
thôi - phải nêu quyền lợi của mình thành quyền lợi chung của mọi thành viên
trong xã hội, hoặc diễn đạt một cách trừu tượng là: buộc phải làm cho tư tưởng
của mình có một hình thức phổ biến, phải nêu nó lên thành những tư tưởng duy
nhất hợp lý, duy nhất có giá trị một cách phổ biến. Vì cái lẽ giản đơn là giai cấp
cách mạng phải đương đầu với một giai cấp, mà với tư cách là đại biểu cho toàn
xã hội, nó đứng ra với tư cách là toàn thể quần chúng trong xã hội đương đầu với
chỉ một giai cấp thống trị mà thôi. Nó có thể làm được như thế, vì rằng ban đầu
lợi ích của giai cấp cách mạng đó còn thực sự gắn liền với lợi ích chung của tất cả
các giai cấp khác không có địa vị thống trị và vì rằng dưới sức ép của những hoàn
cảnh trước kia, lợi ích đó chưa thể phát triển thành lợi ích riêng của một giai cấp
riêng biệt. Do đó, thắng lợi của giai cấp đó cũng ích lợi cho nhiều cá nhân thuộc
các giai cấp khác không lên được địa vị thống trị; nhưng thắng lợi đó chỉ có ích
lợi như thế trong chừng mực nó làm cho những cá nhân đó lên được giai cấp
thống trị. Khi giai cấp tư sản Pháp lật đổ nền thống trị của giai cấp quý tộc, do đó
giúp cho nhiều người vô sản vượt lên trên giai cấp vô sản, nhưng chỉ với ý nghĩa
là bản thân họ trở thành tư sản. Như vậy, mỗi giai cấp mới chỉ xây dựng được nền
thống trị của nó trên một cơ sở rộng lớn hơn giai cấp thống trị trước kia, nhưng
trái lại sau đó thì sự đối lập giữa giai cấp từ nay ở địa vị thống trị với những giai
cấp không có địa vị thống trị chỉ càng phát triển thêm một cách sâu sắc và quyết
liệt. Cả hai tình hình đó dẫn tới chỗ là: lần này cuộc đấu tranh mà các giai cấp
không nắm quyền thống trị phải tiến hành chống lại giai cấp thống trị mới lại có
mục đích phá huỷ những điều kiện xã hội trước kia một cách quyết liệt hơn và
triệt để hơn so với tất cả những giai cấp trước kia khi họ mưu đồ giành quyền
thống trị.
Tất cả cái ảo tưởng cho rằng nền thống trị của một giai cấp nhất định chỉ vỏn vẹn
là sự thống trị của một số tư tưởng nào đó dĩ nhiên là sẽ không còn nữa, một khi
nền thống trị của giai cấp nói chung không còn là hình thức của chế độ xã hội
nữa, nghĩa là một khi không còn cần thiết nêu một lợi ích riêng lên như là lợi ích
chung nữa, hoặc không còn cần thiết nêu "cái Phổ biến" lên làm kẻ thống trị nữa.
Một khi những tư tưởng thống trị bị tách khỏi những cá nhân đang thống trị, nhất
là tách khỏi những quan hệ sinh ra từ một giai đoạn nhất định của phương thức
sản xuất thì người ta đi tới kết luận là: bao giờ những tư tưởng cũng thống trị