hàng hoá là một tương quan xã hội. Tính chất bái vật/ thái độ bái vật (le
fétichisme) hệ tại chỗ tìm giá trị trong sự vật biểu kiến (la chose apparente) chứ
không tìm trong cái tương quan cốt yếu ẩn tàng kia.
Thoạt mới nhìn thì hàng hoá có vẻ là một vật rất đơn giản và tầm thường. Sự
phân tích hàng hoá lại cho thấy rằng nó là một vật gây rắc rối, đầy những sự tế
nhị siêu hình và những sự kỳ quái thần học. Là một giá trị sử dụng thì nó chẳng
có gì là bí hiểm cả, dù cho ta có xét nó về mặt là nhờ các thuộc tính của nó, nó
thoả mãn được những nhu cầu của con người, hay là xét về mặt nó có được
những thuộc tính đó chỉ vì nó là sản phẩm lao động của con người. Dĩ nhiên ai
cũng hiểu rằng với hoạt động của mình, con người biến đổi hình thái của các thực
thể của tự nhiên theo cách có ích cho nó. Ví dụ, hình thức của gỗ thay đổi nếu ta
lấy gỗ làm một cái bàn (1). Nhưng tuy vậy, cái bàn vẫn là gỗ, một vật thông
thường mà người ta có thể thông qua giác quan mà biết được. Nhưng một khi nó
trở thành hàng hoá, thì nó lại biến thành một vật vừa có thể biết được nhờ giác
quan, lại vừa không có thể biết được qua giác quan. Không những nó đứng trên
mặt đất bằng chân, mà còn đứng lộn ngược đầu xuống đất trước mặt tất cả các
hàng hoá khác, và cái đầu gỗ đó của nó lại đẻ ra những ý kiến kỳ quái, còn lạ
lùng hơn là khi nó tự động đứng lên nhảy múa nữa.
Như vậy là tính thần bí (2) của hàng hoá không phải do giá trị sử dụng của nó
sinh ra. Tính thần bí đó cũng không phải do nội dung những tính quy định của giá
trị sinh ra. Vì rằng, trước hết, những loại lao động có ích hay những loại hoạt
động sản xuất dù có khác nhau đến đâu chăng nữa, thì về mặt sinh lý, đó cũng
vẫn là những chức năng của cơ thể con người; và mỗi chức năng như thế, dù nội
dung và hình thức của nó như thế nào chăng nữa, thì về thực chất nó cũng vẫn là
một sự chi phí về óc, thần kinh, bắp thịt, các giác quan, v.v… của con người. Hai
là, cái được dùng làm cơ sở để xác định đại lượng của giá trị, cụ thể là độ dài của
những chi phí, hay lượng lao động, thì rõ ràng là nó khác hẳn với chất (3) của lao
động. Trong bất kỳ trạng thái xã hội nào, người ta cũng đều phải quan tâm đến
thời gian lao động dùng để sản xuất ra các tư liệu sinh hoạt, tuy rằng với một mức
độ không giống nhau trong những giai đoạn phát triển khác nhau. Cuối cùng, từ
khi người ta lao động cho nhau bằng cách này hay bằng cách khác thì lao động
của họ cũng vì thế mà mang một hình thái xã hội.