Còn một tuyến tư tưởng mà ở nơi mọi vật đều bao hàm đối thể của nó và nhận ra
viễn tượng về sự vượt qua nó.
Tự trong nền tảng, phương pháp biện chứng của tôi không chỉ khác với phương
pháp của Hegel mà còn là đối thể trực tiếp của nó. Đối với Hegel tiến trình của tư
tưởng - mà ông đi đến chỗ làm thành một chủ thể tự trị dưới tên gọi Ý niệm - là
Hoá công của thực tại (le Démiurge du réel), còn thực tại chỉ là sự biểu hiện bên
ngoài. Nơi tôi trái lại, Ý niệm chẳng gì khác hơn là vật chất được chuyển cung và
chuyển dịch vào trong đầu óc của con người.
Tôi đã phê bình khía cạnh huyễn diệu (le côté mystificateur) (1) của biện chứng
pháp Hegel cách đây gần ba mươi năm (2), vào cái thời mà nó còn đang là một
mốt trí thức được thiên hạ mê mẩn. Nhưng ngay vào thời kỳ tôi biên soạn quyển
đầu của bộ Tư bản luận (3), thì bọn hậu sinh bẳn nhẳn, hợm hĩnh và tầm thường
mà ngày nay đang làm mưa làm gió đặt ra luật lệ trong nước Đức học thức, thích
thú coi Hegel - giống như Moise Mendelssohn (4) trước đây coi Spinoza - nghĩa
là như … "đồ chó chết"! Trong khi tôi công khai tuyên bố rằng mình là môn đồ
của nhà tư tưởng vĩ đại này và ngay cả trong chương về lý thuyết giá trị (5) tôi
còn muốn làm dáng khi phỏng theo cách diễn tả của thầy mình, chỗ này hay chỗ
khác. Sự huyễn diệu mà biện chứng pháp phải chịu phép trong tay Hegel không
hề ngăn cản sự kiện ông đã là người đầu tiên trình bày, những hình thức tổng quát
về vận động biện chứng theo cách toàn diện và đầy đủ ý thức. Nơi ông, nó đi
ngược đầu. Phải quay đầu nó trở lại, cho nó đi bằng đôi chân để khám phá hạt
nhân thuần lý bên trong cái vỏ huyền bí.
Trong hình thức huyễn diệu của nó, biện chứng pháp trở thành một mốt tư tưởng
kiểu Đức bởi vì có vẻ như nó tôn vinh hiện trạng. Trong cấu hình thuần lý, nó lại
là một thứ xì-căn-đan, một điều kinh tởm cho đám tư sản và những người phát
ngôn của họ bởi vì trong trí tuệ tích cực của hiện trạng nó đồng thời bao hàm trí
tuệ của huỷ thể của nó, sự huỷ hoại tất yếu của nó, vì nó nắm bắt mọi hình thức
đã có trong dòng vận động và vậy là cũng dưới phương diện có hình có hoại của
nó, vì biện chứng pháp trong yếu tính của nó, là phê phán và cách mạng (6).
Karl MARX, Lời bạt cho lần xuất bản thứ nhì quyển Tư bản luận.