Tự do: sự phát triển con người như là mục đích (La liberté: le développement des
hommes comme but)
Tự do không phải là sự độc lập được mơ tưởng đối với tính tất yếu tự nhiên.
Đó là sự tự chủ xã hội (la maỵtrise sociale) có lý luận và luôn tăng trưởng trong
những lực lượng vật chất và nhân văn của sản xuất. Thực hiện điều đó, con người
biến sự phát triển của chính mình thành mục đích của hoạt động của mình. Đó
mới là tự do thật sự. Điều kiện để đạt được tự do đó là một nền sản xuất phát triển
và sự liên kết tự nguyện giữa những người sản xuất.
Trong thực tế, triều đại của tự do (1) chỉ bắt đầu nơi nào mà lao động hết còn bị
quy định bởi tính tất yếu hay sự lợi ích bên ngoài; vậy là, từ bản chất nó định vị ở
bên kia lãnh vực của sản xuất vật chất chính danh. Sự bó buộc mà người nguyên
thuỷ phải tranh đấu chống lại thiên nhiên để cung ứng cho những nhu cầu của
mình, để duy trì sự sống và để lưu truyền dòng giống thì cũng có giá trị đối với
người văn minh và điều đó trong tất cả mọi hình thái xã hội trong tất cả các
phương thức sản xuất khả hữu. Cùng lúc với việc nó phát triển thì lãnh vực của
tất yếu tự nhiên cũng mở rộng, bởi vì điều đó cũng có giá trị đối với những nhu
cầu; nhưng cùng lúc những lực lượng sản xuất để thoả mãn chúng cùng mở rộng
trên quy mô lớn hơn.
Trong lãnh vực này, tự do chỉ hệ tại một điều: rằng con người xã hội hoá, những
nhà sản xuất tự nguyện liên kết (2) thu xếp một cách hợp lý những trao đổi của họ
với thiên nhiên, rằng họ hoàn tất những việc đó bằng cách đặt nó dưới sự kiểm
soát chung thay vì bị chế ngự bởi nó như bởi một sức mạnh mù quáng; và làm
điều đó mà chỉ hao phí tối thiểu sức lực, trong những điều kiện thích hợp nhất và
xứng đáng nhất đối với nhân tính. Nhưng luôn luôn vẫn sẽ có ở đó sự ngự trị của
tất yếu. Vượt qua bên kia là bắt đầu sự phát triển của những lực lượng nhân văn
tự coi mình như là mục đích cho chính mình (3), triều đại thực sự của tự do,
nhưng nó chỉ có thể nở hoa trên cơ sở là triều đại của tất yếu. Điều kiện căn bản
cho tình trạng đó là sự giảm bớt ngày giờ lao động.
Karl MARX, Tư bản luận, Q.III, tập 3.
1. Ám chỉ đến dụng ngữ của Kant: "triều đại của những cứu cánh".