Hoàng hôn của các thần tượng còn mang phụ đề: Làm cách nào triết lí với cây
búa (Wie Mann mit dem Hammer philosophiert). Với cái tựa đề nhại theo vở
nhạc kịch danh tiếng của Richard Wagner, Hoàng hôn của các vị thần
(Goštterdašmmerung - Le Crépuscule des Dieux), Nietzsche thẩm tra quyết liệt
những thần tượng cũ và mới, nghĩa là xét lại những lí tưởng của đạo đức và văn
minh từ Socrate cho đến thời đại mình, và đặc biệt hơn nữa là những lý tưởng và
giá trị ảo hoặc của triết học nảy sinh từ Socrate và Platon, mà đôi khi ông mệnh
danh là "siêu hình" hay "đạo đức". Vậy mà Nietzsche phê phán triết học Tây
Phương mang ảnh hưởng Platon như ông tìm thấy nó nơi Schopenhauer - người
mà ông tôn làm thầy - một thứ triết học nhị nguyên đối đãi (dualiste), phủ định
(négatrice), khổ hạnh (ascétique), thiến hoạn (castratrice); nhưng ông cũng xuất
hiện như một kẻ tố cáo những thần tượng của thời đại mình, đặt tựa cho chương
viết về thời sự những năm 1880, "Cuộc đột kích của một kẻ phản thời". Đó là
điều mà một số tiểu tựa chương chứng tỏ, như "Những kẻ muốn cải thiện nhân
loại", "luân lí là điều phản tự nhiên", "Những gì mà người Đức đang đánh mất",
"Bốn sai lầm lớn", v.v… đây là tác phẩm mà Nietzsche coi như tiền sảnh để bước
vào toà lâu đài triết học của ông, như một bản toát yếu nhất trong số tất cả những
quyển sách ông đã viết.
Thần thoại Bắc Âu kể rằng tất cả mọi thần thánh đều có ngày tàn mạt, ngày họ
tan biến vào hư vô. Đó là buổi hoàng hôn của thần thánh. Richard Wagner đẽ
mượn thần thoại này để dựng lên vở kịch thứ tư trong bộ tứ nhạc kịch (tétralogie)
của ông. Nietzsche thay đổi tựa đế và cả ý nghĩa. "Thần tượng" là biểu tượng
Nietzsche dùng để chỉ chân lí. "Buổi hoàng hôn của những thần tượng" có nghĩa
là sự sụp đổ của mọi chân lý.
Không một thực tại, một ý tưởng, một lý tưởng, một chân lý, một "thần tượng"
nào mà tác phẩm này không đụng chạm tới. Từ những chân lý vĩnh cửu đến
những chân lý giá trị mới mẻ. "Một cơn gió lớn thổi qua rặng cây… và trái chín
rụng rơi tơi tả: những chân lý" (EcceHomo). Nhưng những cái người ta có thể
lượm trong tay chẳng có gì ngọt ngào. Vì đó chỉ là những trái thối hư, thực phẩm
vô vị đã hết dưỡng chất của hai ngàn năm qua cần phải liệng bỏ. Tất cả mọi chân
lý đều nhạt phai và phải xoá đi, mọi thần tượng đều hết thiêng liêng và phải tiêu
diệt. Duy chỉ có cuộc đời là vĩnh cửu. Tất cả mọi hiểu biết đều là sai lầm, mọi
luân lý đều độc hại. Duy chỉ có bản năng là tốt lành.