TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI - Trang 1552

Đậy là cuộc tuyên chiến vĩ đại. Đây là cuộc mổ xẻ tàn nhẫn lý trí, luân lý, tâm lý
ái quốc, vị tha, tình nhân loại… Đây là cuộc lột mặt nạ không tiếc thương những
nhân vật, "những thần tượng" tượng trưng cho những chân lý, những giá trị cũ:
Socrate Platon, thiện ác, đẹp xấu… và những "thần tượng" tượng trưng cho
những chân lý giá trị mới: Renan, Rousseau, Sainte - Beuve, G. Eliot, George
Sand, Schopenhauer, Comte, Kant, Schiller, Zola, Victor Hugo, Listz, Carlyle,
nghệ thuật vị nghệ thuật, dân chủ, tiến bộ…

Trên tất cả, chúng ta tìm thấy trong tác phẩm này những tư tưởng hữu thể học
quan trọng nhất của Nietzsche. Đúng hơn, chúng ta thấy những diễn dịch về
những vấn đề cốt yếu từ quan điểm biến dịch siêu hình của ông dựa trên phương
trình căn bản cũng là tiền đề của ông - là: hữu thể học truyền thống coi là "hữu
thể chân thực" (Wahren - Sein) cái thực ra chỉ là một ảo tưởng, một ảo tưởng có
tất cả đặc tính của phi thể (Nicht - Sein) và vô thể (Nichts) và chối bỏ, cơi như
"phi hữu" và phi thực cái thực ra là hữu thể đích thực và hữu thể duy nhất. Cái từ
xưa tới nay, người ta coi là hiện thể đích thực, thực ra chỉ là mộng huyễn bào ảnh,
trong khi cái từ xưa đến nay người ta coi là mộng huyễn bào ảnh lại chính là hiện
thể chân thực. Cái từ xưa tới nay được coi là "hữu thể" (Sein) đối nghịch với biến
dịch không có, trong khi chỉ có cái biến dịch hiện hữu mà thôi. Không có "hữu
thể" siêu thời gian và không gian cũng như không có tâm linh giới, linh tượng
giới (le monde des Idées) hay thế giới của những ý tưởng vĩnh cửu mà chỉ có thế
giới khả giác (monde sensible), hiện hữu trong không gian thời gian. Không có
thế giới tự nội (monde en-soi), mà chỉ có thế giới hiển lộ (monde des apparences).
Không có thế giới "khác" mà chỉ có thế giới "này", thế giới chân thực, duy nhất,
linh động mà nguyên động lực là ý chí hùng dũng. Không có thế giới nào "khác".
Tất cả những ý nghĩ, khát vọng về một thế giới "khác" chỉ là cách trả thù cuộc đời
"bằng sự lạm dụng ảo tưởng" về một cuộc đời "tốt đẹp hơn". Sự chia thế giới ra
làm một thế giới "tự nội" và một thế giới "bề ngoài" là dấu hiệu của sự suy đồi -
một triệu chứng của sa đoạ. "Sự kiện người nghệ sĩ đặt bề ngoài lên trên thực tại
không phải là một vấn nạn chống lại mệnh đề này. Bởi "bề ngoài" ở đây cũng có
nghĩa là thực tại nữa, nhưng mà dưới một hình thức lựa chọn, kiên cường hoá,
sửa sai… Người nghệ sĩ bi tráng không bi thảm, - hắn gật đầu nói ừ trước tất cả
những gì còn có hồ nghi và khủng khiếp của cuộc đời, hắn là kẻ theo Dionysos".

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.