TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI - Trang 1560

đạo đức học coi sự thông cảm, hay hành động vì lợi ích của người khác, hay tính
vô tư (désintéressement), là đặc điểm của đạo đức; tin vào bản thân mình, hãnh
diện về mình, là kẻ thù triệt để của "sự vô ngã", rõ ràng thuộc về nền đạo đức học
quý tộc.

Với loại đạo đức thứ hai, đạo đức nô lệ thì khác. Giả sử những người bị lạm
dụng, bị áp bức, đau khổ, tù đày, nô lệ, yếu đuối, và những người thiếu tự tin, mà
phải giảng đạo đức, họ sẽ cho cái gì là yếu tố chung trong sự đánh giá đạo đức
của họ? Có lẽ là một thái độ ngờ vực bi quan đối với hoàn cảnh con người, có lẽ
là một sự kết án con người, cùng với hoàn cảnh của họ. Người nô lệ có cái nhìn
không thuận lợi về đức hạnh của kẻ mạnh; họ có sự hoài nghi và không tin cậy,
một sự ngờ vực tinh tế về tất cả những gì là "tốt" đáng được ca ngợi - họ sẽ sẵn
sàng tự thuyết phục mình rằng chính hạnh phúc đang có đó không phải là chân
chính. Mặt khác, cái đức tính dùng để xoa dịu sự hiện hữu của những người đau
khổ được làm nổi bật và sáng tỏ; đây là chỗ mà cái thiện cảm, tử tế, giúp đỡ,
nồng hậu, kiên nhẫn, chăm chỉ, khiêm tốn, và thân thiện đạt được danh dự: vì ở
đây, các đức tính này là những đức tính ích lợi nhất, và hầu như là những phương
tiện duy nhất để nâng đỡ gánh nặng của đời sống. Đây chính là chỗ phát sinh
nguồn gốc của phản đề nổi tiếng "thiện" và "ác": - quyền lực và sự nguy hiểm
được coi là nằm trong cái ác, một sự dễ sợ, tinh vi, và sức mạnh, không chịu bị
khinh bỉ. Vì vậy, theo đạo đức nô lệ, con người "ác" khơi dậy sợ hãi: theo đạo
đức ông chủ, chính người "tốt" khơi dậy sự sợ hãi và tìm cách khơi dậy nó, trong
khi người xấu bị coi là người đáng bị khinh bỉ. Sự tương phản đạt mức cao nhất
khi mà, theo hậu quả lôgích của đạo đức nô lệ, cả người "tốt" của đạo đức này
cũng mang một chút dáng dấp của sự khinh bỉ; bởi vì theo lối tư tưởng nô lệ,
người tốt trong mọi trường hợp phải là con người an toàn: họ là người tốt bụng,
dễ bị lừa, có lẽ hơi khờ, un bonhomme. Ở đâu đạo đức nô lệ thịnh hành, ngôn ngữ
cho thấy một khuynh hướng coi các từ "tốt" và "khờ" gần như đồng nghĩa. - Một
sự khác biệt cơ bản cuối cùng: niềm khao khát tự do, bản năng tìm hạnh phúc và
sự tinh luyện cảm giác tự do về nền đạo đức nô lệ một cách tất yếu, cũng như sự
giả tạo và ham thích được kính trọng và sùng bái là những triệu chứng thường
xuyên của một lối suy nghĩ và phán đoán kiểu quý tộc.

Friedrich NIETZSCHE, Bên kia Thiện ác

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.