giây khoảnh khắc có, chứng minh cho được với lý lẽ và mục đích nào mà ta xuất
hiện vào ngày hôm nay đây. Chúng ta phải hoàn toàn gánh lấy trách nhiệm của
cuộc sống riêng ta, và vì thế, ta phải cương quyết làm hoa tiêu thực sự cho đời
mình, để không cho phép nó giống với một sự tình cờ đắng cay, nghiệt ngã nào.
Phải xáp đến gần nó với gan góc, với bạo dạn chừng nào cũng được, vì rồi sao đi
nữa chúng ta cũng sẽ mất nó. Tại sao phải bám vào mảnh đất này, vào nghề
nghiệp kia, tại sao phải chõ tai vào lời lẽ thị phi của anh hàng xóm lắm điều? Thật
là quê mùa quá đỗi khi nguyền phải vâng theo những ý tưởng chẳng giúp ích
được gì, ở cách xa đây hàng trăm dặm đường dài. Phương Đông và Phương Tây,
đó là những đường ranh có người vạch ra để lừa bịp tính nhút nhát của mình. Cõi
lòng người trẻ trung tự nhủ: "Ta sắp toan nắm được tự do". Vì cái tình cờ, cái số
mệnh luôn mong hai nước thù nhau, giết nhau, luôn mong một cái biển ngăn cắt
đôi hai lục địa, hay lại rao giảng ở đây một thứ tôn giáo chẳng hề có ở mấy ngàn
năm trước. Chẳng có ai dựng được thay anh những nhịp cầu buộc anh phải vượt,
chỉ có riêng anh mới bắt được cho mình để bước qua con sông biến dịch là cuộc
đời. Không một ai cả, trừ anh. Hẳn là có trăm con đường mòn, cả vạn cây cầu, và
bao nhiêu kẻ nửa thần nửa thánh sẽ sẵn sàng mang hộ anh qua sông, nhưng chính
anh phải tiêu pha cuộc đời mình, phải cầm cố nó đi, dù cho anh phải đánh mất
luôn nó. Trên đời chỉ có một con đường độc nhất cho anh đi. Nhưng nó sẽ dẫn
đến đâu? Ô hay, sao lại hỏi chi kỳ lạ vậy, hãy đi đã? Ai là kẻ đã đưa ra nguyên tắc
này. "Một kẻ chỉ đi cao lên được mãi khi y không biết con đường sẽ dẫn mình đến
đâu".
Nhưng làm thế nào ta tìm lại được chính chúng ta? Làm sao con người có thể biết
về mình? Đó là một việc tối tăm, mù mịt. Và thực ra, con thỏ rừng có đến bảy lớp
da. Nên con người cũng phải tự lột bảy mươi lần da của mình mới nhủ được: Đây
mới chính thực là cái ta, chứ không là lớp da bọc bên ngoài. Một công việc khó
nhọc và hiểm nghèo là đào sâu vào chính ta, là mạnh bạo đi thẳng xuống tận cùng
hiện hữu ta bằng con đường ngắn nhất, phải làm sao suýt gây nên thương tích cho
mình, nặng nề đến nỗi không vị thầy thuốc nào chữa khỏi, và hơn nữa, tất cả đều
cần thiết phải mang chứng tích của những gì là ta, từ tình thân cũng như thù hận,
cái nhìn lúc siết chặt bàn tay, trí nhớ và lãng quên, sách vở và nét chữ ta vạch
xuống đầu ngọn bút. Nhưng ở đây làm sao phải thiết lập bảng câu hỏi cơ bản.
Người trẻ tuổi kia ngắm nhìn đoạn đời đã đi qua của mình, tự bảo: "Có đúng là