ZARATHUSTRA ĐÃ NÓI NHƯ THẾ (Also sprach Zarathustra - Ainsi parlait
Zarathoustra)
Đây là một tác phẩm thơ-văn xuôi triết học độc đáo mà chính tác giả của nó đã
coi là cuốn Phúc âm thứ năm, chứa đựng những điều kỳ tuyệt vô song mà từ
trước đến nay chưa có ai nói đến, chưa có ai làm được như thế. Hai đề tài trọng
tâm của tác phẩm là: Siêu nhân (der Ubermensch - le Surhomme) và Hồi quy
vĩnh cửu (die ewig Rckkehr - Le Retour éternel).
Coi mình có sứ mệnh của một nhà tiên tri (qua hình tượng Zarathustra) truyền bá
những tư tưởng mới, tín ngưỡng mới cho chúng sinh, Nietzsche cũng hoàn toàn ý
thức được vai trò sáng tạo của mình và khẳng định người sáng tạo trước hết phải
là người huỷ diệt và đập phá tan tành mọi giá trị.
Với Nietzsche các triết gia đích thực phải là người lập pháp và ra mệnh lệnh, phải
giải quyết trước tiên vấn đề "Đi về đâu?" và "Vì mục đích gì?" cho con người bởi
lẽ con người về bản chất là ý chí hùng dũng vươn tới quyền lực, vừa là sự suy
tàn, vừa là sự chuyển tiếp. Sự vươn lên vượt qua chính mình phải nhằm hướng
trở thành siêu nhân. Đó là ý nghĩa của trái đất.
* Ba bài trích dưới đây từ Zarathustra đã nói như thế chúng tôi mượn bản dịch từ
Đức ngữ của dịch giả Trần Xuân Kiêm, Nxb Văn học, 1999.
TỰ NGÔN CỦA ZARATHUSTRA
1
Năm ba mươi tuổi, Zarathustra rời xứ và hồ lên núi. Trên núi cao Zarathustra
hưởng thụ tinh thần và nỗi cô đơn của mình triền miên không hề mệt mỏi trong
suốt mười năm. Nhưng sau cùng, tâm hồn Zarathustra biến đổi: một buổi sáng nọ,
thức giấc cùng bình minh, Zarathustra tiến đến trước mặt trời và thốt ra những lời
sau:
Hỡi thiên thể vĩ đại kia! Hạnh phúc của mi sẽ ra sao nếu không có những người
mà mi soi chiếu?