Sự tiến hoá của môi trường xã hội phục tùng những định luật riêng của nó. Điều
đó có nghĩa là những đặc tính của nó ít lệ thuộc vào ý chí và ý thức của con người
cũng như vào những đặc tính của môi trường địa lý. Hành động của con người
trên thiên nhiên qua con đường xiên của sự sản xuất sinh ra một cách thức lệ
thuộc mới của con người, một cách thức nô lệ mới: tính tất yếu kinh tế (la
nécessité économique). Ảnh hưởng của con người trên thiên nhiên càng tăng thì
tình trạng nô lệ mới này càng được củng cố: cùng lúc với những lực lượng sản
xuất phát triển, những tương giao nhân loại bên trong tiến trình xã hội của sản
xuất phức tạp lên thêm; đường đi của nó hoàn toàn thoát khỏi sự kiểm soát của
con người: người sản xuất trở thành nô lệ cho chính sản phẩm của mình (thí dụ:
sự hỗn loạn của nền sản xuất tư bản).
Nhưng, cũng như môi trường thiên nhiên đã hiến tặng (6) cho con người khả tính
đầu tiên để phát triển lực lượng sản xuất của họ và tiếp đó, để dần dần thoát khỏi
ảnh hưởng của thiên nhiên, cũng thế, những tương quan sản xuất, những tương
quan xã hội, do chính tính lô-gích trong sự phát triển của chúng, đưa con người
đến chỗ ý thức được những nguyên nhân sự lệ thuộc của mình vào tính tất yếu
kinh tế. Bởi đó, khả tính của một chiến thắng mới được trao tặng, chiến thắng tối
hậu, của ý thức trên tính tất yếu, của lý tính trên định luật mù quáng.
Trở nên ý thức rằng nguyên nhân sự lệ thuộc của mình với sản phẩm của chính
mình nằm trong tình trạng hỗn loạn (7) của sản phẩm này, người sản xuất (tức
con người xã hội) tổ chức sự sản xuất để bắt nó phục tùng ý chí của mình. Đế
quốc của tính tất yếu cáo chung - để nhường bước cho cuộc đăng quang huy
hoàng của tự do, một tự do tất yếu sẽ đến. Bức màn nhung buông xuống trên
khúc tự ngôn của lịch sử nhân loại. Và lịch sử, chính danh, bắt đầu (8).
Chẳng hề kiếm cách - như các đối thủ của nó vẫn thường lớn tiếng kết án nó về
chuyện đó - để thuyết phục con người rằng thật là phi lý khi phản kháng lại tính
tất yếu kinh tế, chính chủ nghĩa duy vật biện chứng là người đầu tiên chỉ ra rằng
bằng cách nào người ta có thể chế ngự nó. Như thế người ta xoá sổ cái thuyết
định mệnh không thể tránh (l’inéluctable fatalisme) của chủ nghĩa duy vật siêu
hình (le matérialisme métaphysique) (9)
Georges PLEKHANOV, Khảo luận quan niệm nhấtnguyên về lịch sử, t.222-224.