Trước tiên tôi nhận thấy rằng mình đi từ trạng thái này đến trạng thái kia. Tôi
nóng hay tôi lạnh, tôi vui vẻ hay tôi buồn rầu, tôi làm việc hay tôi chẳng làm gì
cả, tôi nhìn những gì vây quanh tôi hay tôi nghĩ đến cái gì khác. Những cảm giác,
tình cảm, ý muốn, biểu tượng v.v… đó là những biến thái mà tồn tại của tôi đong
đưa qua lại và chúng lần lượt nhuộm sắc màu cho cuộc sống. Vậy là tôi thay đổi
không ngừng. Nhưng nói thế là chưa đủ. Sự thay đổi còn triệt để hơn là người ta
thoạt nghĩ lúc đầu.
Thực tế tôi nói về từng tâm trạng của tôi như là nó tạo thành một khối. Tôi bảo
rằng tôi thay đổi, nhưng sự thay đổi đối với tôi có vẻ như là nằm trong sự trải qua
từ một trạng thái đến trạng thái kế tiếp: về mỗi trạng thái, xét cách riêng, tôi thích
tin rằng nó vẫn là thế suốt trong thời gian nó diễn ra. Tuy nhiên, một cố gắng chú
ý nhẹ nhàng sẽ cho tôi thấy rằng không có một tình cảm, biểu tượng hay ý muốn
nào lại không thay đổi vào mọi lúc; nếu một tâm trạng ngưng thay đổi, thì tức
khắc tồn tục của nó ngưng trôi chảy […].
Tồn tục của chúng ta không phải là một khoảnh khắc thay thế một khoảnh khắc:
nếu vậy lúc đó sẽ chỉ có mãi mãi một hiện tại, không có sự kéo dài của quá khứ
trong hiện tại, không có tiến hoá, không có kỳ gian cụ thể. Kỳ gian là tiến bộ liên
tục của quá khứ vươn đến tương lai và nó vừa tiến bước vừa căng phồng lên […]
Như thế nhân cách của chúng ta mọc ra, lớn lên, trưởng thành không ngừng. Mỗi
một trong những thời đoạn của nó là cái mới thêm vào cái có trước. Chúng ta hãy
đi xa hơn nữa: đó không chỉ là cái mới, mà còn là cái bất khả tiên kiến…
Henri BERGSON, Tiến hoá sáng tạo, t.1-6.
1. Ông muốn chỉ đến bộ Những dữ kiện trực tiếp của ý thức.
NHỮNG DỮ KIỆN TRỰC TIẾP CỦA Ý THỨC (Données immédiates de la
conscience) - 1889.
Ba chương của Những dữ kiện trực tiếp của ý thức tạo thành một chuỗi gồm ba
bài miêu tả: Về mỗi trạng thái ý thức như là phẩm tính thuần tuý, về toàn bộ mọi
trạng thái ý thức của chúng ta như là tồn tục, về hành vi tự do trong viễn tượng
của tồn tục này.