hiện diện của chúng tất mời ta đóng một vai trò: chính tự đó mà chúng có vẻ quen
thuộc. Do đó, những xu hướng cử động đã đủ cho ta cái cảm thức sự nhìn nhận.
Nhưng ta phải vội nói rằng: thường có cái khác thêm vào đấy.
Vì thật ra, trong khi các bộ máy cử động được thành lập, do ảnh hưởng những tri
giác được thân thể phân tách càng ngày càng rõ ràng hơn, thì đời sống tâm lý của
ta về trước đã ở đấy rồi: nó tự tồn tại với tất cả chi tiết các biến cố của nó trong
thời gian. Luôn luôn bị kiềm chế do tâm thức thực hành và thiết dụng của lúc
hiện thời, nghĩa là do thế quân bình giác động của một thần kinh hệ căng giữa tri
giác và hành động, cái ký ức ấy chỉ đợi khi có một kẽ hở giữa ấn giác hiện thời và
cử động kèm theo, để đưa những hình ảnh của nó vào… Nhưng nếu toàn thể các
hình ảnh quá khứ của ta vẫn hiện diện với ta, thì cái ý tượng tương tự với tri giác
hiện tại vẫn phải được chọn lựa giữa tất cả các ý tượng khả thể. Những cử động
thực hành hay chỉ mới khởi sự, chuẩn bị sự lựa chọn ấy, hay ít nữa giới hạn khu
vực các hình ảnh mà ta sẽ lấy. Do cơ cấu thần kinh hệ của ta, ta là những hữu thể
mà các ấn giác hiện tại tự nối tiếp bằng những cử động thích hợp: nếu những hình
ảnh cũ cũng có thể nối tiếp vào những cử động ấy, thì chúng lợi dụng cơ hội để
nhập vào tri giác hiện tại và bắt nó thừa nhận. Lúc ấy chúng xuất hiện thực sự ở
tâm thức ta, đang khi mà cứ theo lẽ, chúng hình như phải bị che phủ do tình trạng
hiện thời. Cho nên có thể nói được rằng: những cử động gây ra sự nhìn nhận cơ
giới, một đàng là ngăn cản, một đàng lại làm thuận tiện cho sự nhìn nhận bằng
hình ảnh. Nhưng mặt khác, chính vì sự bác bỏ những hình ảnh cũ nguyên do ở sự
chúng bị kềm chế bởi thái độ hiện thời, những hình ảnh có thể vào khuôn khổ thái
độ ấy gặp ít cản trở hơn là cái khác; và khi ấy nếu cái nào có thể vượt trở lực, tức
phải là cái hình ảnh giống tri giác hiện thời mới vượt được.
Henri BERGSON, Vật chất và ký ức, t.94 - 97.
Từ tổng quát cảm thấy đến tổng quát suy tưởng
Chính những hành động của ta cũng đã hàm ngụ một cảm thức mập mờ về tính
cách tổng quát. Nhưng tự cảm thức mập mờ ấy đến ý niệm chính thức, còn xa
lắm. Trong đoạn trích sách "Vật chất và Ký ức" sau đây, Bergson đã đánh dấu rõ
rệt những chặng đường khác nhau.