TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI - Trang 164

Robin đã có một ý nghĩ kỳ khôi và táo bạo là nghiên cứu Platon bằng cách làm
như thể là những Đối thoại được viết ra của Platon bị mất đi hết và như thế ta chỉ
có thể tìm hiểu về học thuyết của Platon qua truyền thống Aristote.

Đóng góp nổi bật nhất của trường phái Anh quốc là của Sir W.D.Ross (Plato’s
Theory of Ideas - Lý thuyết của Platon về các Ý niệm, Oxford, 1951). Nhưng
nhất là giới nghiên cứu triết học ngày nay biết ơn những công trình của trường
phái Đức ở Tubingen. Những công trình này đã được giới thiệu với công chúng
Pháp bởi M.D.Richard, qua quyển L’Enseignement oral de Platon - Việc giảng
huấn truyền khẩu của Platon - Paris, 1986.

Học thuyết Pythagore theo phiên bản của Platon - những ý niệm - con số

Platon không bám víu vào các yêu cầu của Socrate về các ý niệm. Dưới ảnh
hưởng của những triết gia phái Pythagore, việc phân tích đã đưa ông đến chỗ hệ
thống hoá thực tại. Các ý niệm - con số không phải là nguyên sơ mà phái sinh từ
hai nguyên lý (chính chúng mới thực sự là đầu tiên, nguyên sơ): Nhất thể và Nhị
tố Lớn và Nhỏ, (l’Un et la Dyade du Grand et du Petit). Nhưng các ý niệm này
cách ly với những vật khả giác; ở giữa chúng, thực hiện chức năng trung gian, là
những đối tượng toán học, vừa có tính số học, vừa mang tính hình học.

ARISTOTE

Về sự tham thông đó (la participation), Platon chỉ thay đổi tên gọi: thực vậy,
những người theo Pythagore nói rằng các hữu thể tồn tại theo cách mô phỏng các
con số; theo Platon, đó là bằng sự tham thông (a), như vậy chỉ có tên gọi là thay
đổi. Tuy nhiên, bản chất của sự tham thông hay là mô phỏng đó là gì, đó là một
cuộc truy tầm mà họ còn bỏ lửng trong sự bất định (1). Hơn nữa, ngoài những vật
khả giác và các Ý niệm, Platon còn chấp nhận có những sự vật toán học, chúng là
những thực tại trung gian (2), một đàng khác với những vật khả giác ở chỗ chúng
là vĩnh cửu và bất động, và đàng khác, những Ý niệm, ở chỗ chúng là một phức
hợp những bản sao giống nhau, trong khi Ý niệm là một thực tại đơn nhất, cá thể
và đặc thù.

Những Ý niệm vì là nguyên nhân cho những sự vật khác, ông nhận định rằng
những thành phần của các Ý niệm (b) là những thành phần của mọi hữu thể; như

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.