hoa vì say tiên tửu, chàng nằm lăn ra ngủ. Vào thế là nàng Nghèo khó nghĩ rằng
mình chẳng bao giờ được hanh thông để trở thành phú quý, nảy sinh là kiếm một
đứa con từ chàng Thiện xảo để mong nó sẽ được đổi đời. Vậy là nàng ta nằm
xuống bên cạnh chàng, ôm lấy chàng và thế là nàng mang thai Eros. Đó cũng là
lý do khiến sau này Eros trở thành người tuỳ tòng và người phục vụ trung thành
của Aphrodite: bởi vì cậu được hoài thai trong lễ hội mừng đản sinh nữ thần Sắc
đẹp và đồng thời đối tượng mà chàng si mê, từ bản tính, chính là vẻ đẹp. Mà còn
ai đẹp hơn Aphrodite?
"Vậy trong tư cách là con của Thiện xảo và Nghèo khó, đây là thân phận của
Eros, thần tình yêu. Trước tiên là, lúc nào chàng cũng nghèo; nghèo đến độ khó
mà thanh lịch hay đẹp đẽ cho được, như người thường tưởng về chàng. Trái lại,
chàng trông thô mộc, lôi thôi, đi chân trần, không nhà, ngủ bờ ngủ bụi giữa trời
sao hay nơi hè phố: bởi vì chàng thừa hưởng thân phận của người mẹ mà chàng
sẽ phải mãi mãi chia sẻ cuộc sống khốn cùng. Nhưng đàng khác, thừa hưởng từ
người bố, chàng luôn khao khát những gì đẹp đẽ tốt lành; chàng đầy bản lĩnh đàn
ông, chàng luôn tiến lên phía trước, căng đầy sinh lực, là tay thợ săn ngoại hạng,
say mê khám phá, đầu óc đầy mưu hay chước lạ (4); suốt đời triết lý không nhàm
mỏi; là pháp sư, phù thuỷ, biện sĩ quán tuyệt vô song. Ta muốn nói thêm rằng bản
chất của chàng không phải là bất tử, cũng không phải tử vong - Nhưng có lúc,
trong cùng một ngày, chàng đầy tràn sức sống và tươi như hoa, có lúc chàng lại
héo tàn, rồi chàng lại hồi sinh, khi những mưu chước của chàng thành công như
bản tính của người cha (5). Tuy nhiên mối lợi từ những mưu chước này không
ngừng lọt qua những kẽ tay của chàng, khiến cho thần Tình yêu không lúc nào
cùng khốn cũng chẳng bao giờ dư dật."
"Tuy nhiên về phương diện khác, chàng ở giữa đường của hiểu biết và ngu dốt.
Hiện trạng là thế này. Không có vị thần nào bận tâm đến việc phải triết lý, cũng
không có vị thần nào muốn thủ đắc tri thức (vì họ có sẵn rồi); và cũng không có
ai khác sẽ có được tri thức mà lại không bận tâm triết lý (6). Nhưng, về phần họ,
những kẻ ngu dốt cũng không hề bận tâm đến chuyện phải triết lý để làm gì và họ
cũng chẳng muốn thủ đắc tri thức; bởi vì điều khốn nạn của sự ngu dốt, đó là kẻ
nào không đẹp, không tốt cũng không thông minh, lại tưởng rằng mình như thế
(7); Kẻ nào không nghĩ rằng mình thiếu thốn thì không có ham muốn cái mà anh
ta không tin rằng mình cần được cung cấp".