tinh thần triết học, trong hùng tâm dũng chí của lí trí dứt khoát vượt qua chủ
nghĩa tự nhiên. Nguy cơ lớn nhất đối với châu Âu là nỗi chán chường. Chúng ta
hãy sát cánh để đánh bại cái nguy cơ của những nguy cơ này trong tư cách là
"những người châu Âu tốt lành" (14): với sự dũng cảm mà ngay cả một cuộc đấu
tranh vô tận cũng không hề làm chùn bước; và lúc đó chúng ta sẽ thấy từ lò lửa
huỷ diệt mà sự thiếu niềm tin ném chúng ta vào, từ những hòn than hồng mà ngọn
lửa tuyệt vọng phủ lên - sự tuyệt vọng về sứ mệnh mà Phương Tây phải đảm
đương đối với nhân loại, từ đống tro tàn của nỗi chán chường lớn lao kia, một con
Phượng hoàng, sẽ phục sinh, con Phượng hoàng của đời sống tâm linh mới, của
nguồn cảm hứng tinh thần mới, vật bảo đảm cho một tương lai xán lạn lâu dài
cho nhân loại: bởi vì chỉ có tinh thần là bất tử.
Edmund HUSSERL, "Cuộc khủng hoảng của nhân loại châu Âu
và triết học" trong Cuộc khủng hoảng của các khoa học châu Âu và hiện
tượng siêu nghiệm.
1. Do sự kiện là điều tiền giả định đó còn chưa được phản tư, chưa được tra vấn.
2. Nguyên lí chủ quan (tâm hồn nhân loại, nội tại tính) bị lãng quên, ngay cả bị
phủ nhận.
3. Xem Kant: Phê phán lí tính thuần tuý.
4. Ở đây được hiểu là: thái độ coi những sự kiện nhân văn như là những đối vật
khách quan.
5. Vậy là chủ nghĩa khách quan phán đoán trước về chính bản tính của chân lí.
6. Chủ nghĩa tâm lí mà Husserl đánh đổ, giản quy tư tưởng vào một tiến trình tâm
lí thuần tuý kiện tính (un processus psychique purement factuel)
7. Việc nghiên cứu khách quan những phong tục không vì thế mà trở thành đạo
đức học.
8. Theo nghĩa một khoa học triết lí (chứ không phải khách quan) về tinh thần.