không? Không thể như thế; từ đó người ta chỉ có thể kết luận: "hữu thể" không là
cái gì đó giống như hiện vật (16). Chính vì thế dù chính đáng trong lĩnh vực nào
đó, cách thế thông thường xác định hiện vật - "định nghĩa" của luận lý học cổ
truyền, một luận lí học có nền tảng nơi hữu thể học cổ điển (17) - không thể áp
dụng cho hữu thể được. Sự bất khả định nghĩa hữu thể không loại bỏ câu hỏi về ý
nghĩa của nó, trái lại nó còn đòi hỏi chính câu hỏi này.
3. "Hữu thể" là một ý niệm hiển nhiên. "Hữu thể" được dùng trong mọi tri thức,
phát biểu, trong mỗi thái độ đối với hiện vật, trong mỗi thái-độ-đối-với chính
mình, và kiểu nói "hữu thể" được am hiểu ở đó "không hơn nữa", mỗi người đều
hiểu những câu "trời thì xanh", "tôi thì vui vẻ" và những câu giống như thế. Tuy
nhiên sự am hiểu trung bình này chỉ chứng tỏ một bất am hiểu. Nó biểu lộ rằng
một bí nhiệm tiên thiên nằm trong mọi thái độ và hữu qui về hiện vật xét như là
hiện vật. Việc chúng ta đã sống trong một am hiểu về hữu thể và đồng thời ý
nghĩa của hữu thể bị che phủ trong tăm tối bày tỏ sự cần thiết tuyệt đối của việc
lập lại câu hỏi về ý nghĩa của "hữu thể".
Sự kêu gọi tới hiển nhiên tính trong lĩnh vực các ý niệm nền tảng của triết học và
nhất là khi xét đến ý niệm "hữu thể" là một việc làm đáng nghi ngờ, trừ khi "cái
hiển nhiên" và chỉ nó, "những phán đoán bí mật của lý trí chung" (Kant) phải trở
nên và phải ở lại làm đề tài minh nhiên của phân tách ("công việc của triết gia").
Nhưng sự khảo xét các thiên kiến này đồng thời làm sáng tỏ không những rằng
thiếu câu trả lời cho câu hỏi về hữu thể mà còn làm sáng tỏ rằng chính câu hỏi thì
tăm tối và vô chiều hướng, lập lại câu hỏi hữu thể như thế muốn nói: trước nhất
một lần khai triển đầy đủ việc đặt câu hỏi.
Martin HEIDEGGER, Hữu thể và Thời gian, §1, tr.2-4.
1. "Cuộc luận chiến giữa những người khổng lồ về vấn đề yếu tính" mà Platon
nói đến trong đối thoại Biện giả (Le Sophiste)
2. Trong những đối thoại lớn về hữu thể học của Platon như: Biện giả, Parménide,
Philèbe, Théétète, hay trong Siêu hình học của Aristote.
3. Hegel: Khoa học lôgích.