đó, nếu xét trong tự thân, Tư tưởng không mang tính chất "thực hành". Như vậy,
lối xác định đặc tính Tư tưởng như là theoria và sự quy định hành vi tri thức như
là thái độ "lý thuyết", đã xuất hiện giữa lòng một lối giải thích nặng chất "kỹ
thuật" về Tư tưởng. Lối giải thích này là một mưu định nhằm giữ cho Tư tưởng
một sự tự lập đối diện với động hành (Handeln) và tác hành (Tun). Kể từ đó, triết
học luôn thấy cần thiết phải tự biện chính cho mình trước những "khoa học".
Triết học nghĩ rằng mình sẽ đạt đến mục tiêu ấy một cách chắc chắn hơn bằng
cách tự nâng mình lên hàng một khoa học. Nhưng cố gắng này là sự bỏ rơi thể
tính của Tư tưởng. Triết học bị vây đuổi trong nỗi sợ hãi mình sẽ bị mất đi sự
kính trọng và giá trị, nếu mình không phải là khoa học. Người ta thấy đó như một
khiếm khuyết được đồng hoá với một tính-chất-phi-khoa-học. Tính thể với tư
cách là tố chất (das Element) của Tư tưởng đã bị bỏ rơi vào quên lãng trong lối
giải thích có tính chất kỹ thuật về Tư tưởng. Khoa "luận lý học" là sự chuẩn
phong cho lối giải thích này, lối giải thích được thực hành mạnh mẽ ngay từ thời
những ngụy luận gia và thời Platon. Người ta phán xét Tư tưởng theo một tiêu
chuẩn không thích hợp với Tư tưởng. Lối phán đoán này tương tự phương sách
nhằm thẩm định thể tính và tài lực của loài cá căn cứ vào khả năng sống trên đất
liền của cá! Kể từ lâu, từ quá lâu rồi, Tư tưởng đã bị thảm bại trên đất liền. Giờ
đây, có thể nào gọi nỗ lực nhằm đặt định lại Tư tưởng trong tố chất uyên nguyên
của Tư tưởng là "chủ trương phi lý" hay chăng?
Những câu hỏi ông đã nêu ra trong bức thư sẽ được soi sáng dễ hơn trong một
cuộc đàm đạo trực tiếp. Còn trong một bản văn, Tư tưởng dễ đánh mất tính chất
uyển chuyển năng động của mình. Nhưng nhất là trong một bản văn, Tư tưởng
phải hết sức khó khăn mới có thể động cập đến tính chất đa dạng của nhũng chiều
huớng riêng cho lãnh vực của Tư tưởng. Khác biệt với các khoa học, tính chất
nghiêm mật của tư tưởng chẳng phải chỉ nằm trong sự chính xác tiền chế của
những ý niệm, nghĩa là trong cái kỹ-thuật-mang-chất-lý-thuyết của những ý niệm.
Tính chất nghiêm mật của Tư tưởng nằm ở chỗ: ngữ ngôn chỉ lưu trì thuần túy
trong tố chất của Tính thể và để cho ngự trị cái gì đơn giản trong những chiều
hướng đa diện của Tính thể. Nhưng, đằng khác, sự việc được viết ra thành chữ lại
cống hiến cho ta sự cưỡng chế thiện ích của một sự lĩnh hội tỉnh táo nhờ vào ngôn
ngữ. Hôm nay, tôi chỉ muốn tách riêng ra một trong những câu hỏi của ông. Sự
khảo sát câu hỏi này có thể sẽ chiếu rọi tia sáng lên những câu hỏi còn lại.