Đối với phần lớn các mục đích thực tiễn, các sự khác biệt này không quan trọng,
nhưng đối với người hoạ sỹ, chúng vô cùng quan trọng: người hoạ sĩ phải phá bỏ
thói quen nghĩ rằng các sự vật có vẻ có màu sắc mà nhận thức thông thường nói
là nó có "thực sự", để học thói quen nhìn các sự vật như chúng xuất hiện. Ở đây
chúng ta đã bắt đầu một trong những sự phân biệt vốn gây ra nhiều rắc rối nhất
trong triết học-sự phân biệt giữa "dáng vẻ" và "thực tại" giữa cái mà sự vật có vẻ
là và cái mà chúng thực sự là. Người hoạ sĩ muốn biết các sự vật có vẻ là cái gì,
người thực tiễn và nhà triết học muốn biết chúng thực sự là gì; nhưng ước muốn
hiểu biết của các nhà triết học thì mạnh hơn của con người thực tiễn, và bị phiền
toái hơn bởi sự hiểu biết về những khó khăn để trả lời câu hỏi này.
Trở lại cái bàn. Từ những điều chúng ta đã tìm ra, rõ ràng là không có một màu
nào có ưu thế như là màu của cái bàn, hay thậm chí của một phần đặc thù nào của
cái bàn - cái bàn xuất hiện với những màu khác nhau từ những góc nhìn khác
nhau, và không có lý do nào để nói rằng một số những màu này thì thực hơn một
số màu khác của nó. Và chúng ta biết rằng ngay cả từ một góc nhìn nhất định,
màu của cái bàn hình như khác đi do ánh sáng nhân tạo, hay đối với một người
loạn sắc, hay đối với một người đeo kính xanh, trong khi trong bóng tối, nó chẳng
có màu nào cả, tuy rằng đối với xúc giác và thính giác của ta, cái bàn sẽ không
thay đổi. Màu này của cái bàn không phải là cái gì nội tại trong cái bàn, nhưng là
một cái gì tuỳ thuộc cái bàn và người quan sát nó, và cách thức mà ánh sáng
chiếu trên nó. Trong đời sống hàng ngày, khi chúng ta nói đến màu của cái bàn,
chúng ta chỉ hiểu nó như là một thứ màu mà nó có vẻ có đối với một người quan
sát bình thường từ một góc nhìn bình thường và trong các điều kiện ánh sáng bình
thường. Nhưng các màu khác xuất hiện trong các điều kiện khác cũng có thể coi
một cách chính đáng là các màu thực sự; và vì thế, để tránh thiên vị, chúng ta
buộc phải phủ nhận rằng, tự nó, cái bàn chẳng có một màu nhất định nào.
Điều này cũng được áp dụng tương tự đối với sự kết cấu của cái bàn. Với mắt
thường, chúng ta có thể thấy có hạt, nhưng nhìn chung, cái bàn nhẵn và phẳng.
Nếu chúng ta nhìn nó qua một kính hiển vi, chúng ta sẽ thấy những chỗ gồ ghề và
lồi lõm, và mọi thứ khác biệt mà mắt thường không thấy được. Trong số những
điều ấy, cái gì là cái bàn "thực"? Thường chúng ta có khuynh hướng cho rằng cái
bàn nhìn dưới kính hiển vi là thực hơn, nhưng nếu nhìn qua một kính hiển vi
mạnh hơn, thì điều đó lại thay đổi. Vậy, nếu chúng ta không thể tin tưởng cái