qua tôi đã đi biển". Ta phải nói cho đúng là chuyến du lịch đã lâu hơn đứa trẻ nói
ra. c) Một đứa con trai 5 tuổi rưỡi, được dẫn đi chơi Escherntal, gần Hallstatt ở
dưới chân núi Dachstein mà nó thích lắm. Tự nhà nó ở Aussee người ta thấy rõ
núi Dachstein và có thể phân biệt qua kính viễn vọng Simonyhlle. Đứa trẻ đã
nhiều lần dòm ống viễn vọng để cố thấy chỗ ấy, nhưng không biết với kết quả
nào. Cuộc đi chơi bắt đầu trong sự vui vẻ, vì trí tò mò của nó bị kích thích lắm.
Mỗi lần thấy một trái núi là nó hỏi: "Có phải núi Dachstein đó không?". Sau
nhiều lần được trả lời là không thì nó ít nói dần đi sau hết nó không thèm nói một
tiếng nào nữa và từ chối không chịu theo mấy người khác leo núi để đi xem một
khe nước. Ai nấy tưởng nó mệt, nhưng sáng hôm sau nó mừng rỡ thuật lại: "Tôi
đã mơ đêm qua là chúng ta đã đi Simonyhlle". Thế nghĩa là nó đã đi chơi với sự
mong đợi đi xem chỗ ấy.
Ta thấy đó, những giấc mơ của trẻ con không phải vô ý nghĩa: đó là những tác
động tâm linh khả tri, đầy đủ… Vì không bị làm sai lệch đi, chúng không đòi hỏi
một công trình giải thích nào. Mơ mộng hiển hiện và mơ mộng ẩn kín lẫn lộn và
đồng hợp với nhau, ở đây. Cho nên sự sai lệch không phải là một tính cách tự
nhiên của giấc mộng. Giấc mơ trẻ con là phản ứng cho một sự việc trong ngày đã
để lại sau nó một ân hận, một buồn phiền, một hoài vọng bất mãn. Giấc mơ đem
lại sự thực hiện trực tiếp, không che đậy, của hoài vọng ấy…
Khởi hành tự đó, ta đi qua con đường ngắn nhất để đến những kết luận về công
dụng của giấc mộng. Coi như phản ứng cho kích thích tâm linh, giấc mộng phải
có công dụng gạt bỏ kích thích ấy, để cho giấc ngủ có thể tiếp tục. Bằng phương
tiện kích động nào mà giấc mộng hoàn tất công dụng ấy? Đó là điều ta chưa biết
được; nhưng ta có thể nói ngay tự bây giờ, là chẳng những không phá giấc ngủ
như người ta trách nó, mơ mộng lại canh gác giấc ngủ mà nó bảo vệ chống với
mọi cái gì có thể làm rối loạn.
Sigmund FREUD, Dẫn nhập vào phân tâm học, t.129 - 131.
SIÊU TÂM LÝ - VÔ THỨC
(Métapsychologie _ L’Inconscient) 1915