công cho tôi ở đời sau (và có lẽ cả ở đời này nữa). Tôi còn có thêm nguồn an ủi là
biết rằng Chúa công bằng vô cùng sẽ trừng phạt những kẻ sống cuộc sống ích kỷ,
chiều theo bản năng-nếu không ở đời này thì cũng ở đời sau. Ngoài ra, tôn giáo
còn cung cấp các đáp án cho các vấn đề quan trọng mà dường như không thể trả
lời theo cách khác được, như ý nghĩa cuộc đời chẳng hạn.
Niềm tin tôn giáo là ảo tưởng
Trong Tương lai của một Ảo tưởng, Freud không cố gắng đánh giá chân lý của
các niềm tin tôn giáo; khoa học và lý trí không thể chứng minh hoặc không chứng
minh các niềm tin này. Thay vào đó, ông xem xét cội nguồn tâm thần (l’origine
psychique). Các giáo lý tôn giáo không phải là "các chất kết tủa của kinh nghiệm
hay các kết quả cuối cùng của tư duy", mà tại sao chúng ta lại sẵn sáng chấp nhận
chúng là thật? Vì chúng ta rất muốn chúng là thật. Khi còn là trẻ nhỏ, chúng ta
cảm thấy không tự lực được và hết sức cần đến sự bảo vệ và tình yêu của cha
chúng ta; chúng ta coi cha chúng ta là người có quyền lực, khôn ngoan và là
người chắc chắn rằng công lý sẽ thắng. Khi chúng ta được học về giới hạn của
người cha trên trái đất, tâm trí chúng ta sẵn sàng chấp nhận học thuyết về Người
Cha trên trời, Đấng yêu thương chúng ta vô điều kiện và là đấng toàn năng, toàn
trí, và công bằng vô cùng. Học thuyết về đời sau cung cấp phương tiện cho Người
Cha trên trời để Ngài ban cho chúng ta hạnh phúc vĩnh cửu và trừng phạt kẻ tội
lỗi với hình phạt đời đời. Tôn giáo cũng mang lại cho chúng ta các đáp án của các
vấn đề gây phiền toái về nguồn gốc vũ trụ và "các điều bí ẩn khác kích thích tính
ham hiểu biết của con người."
Freud lập luận rằng, chúng ta chấp nhận các niềm tin tôn giáo không phải vì
chúng ta có chứng cứ về chúng mà vì chúng thoả mãn các nhu cầu tâm lý thâm
căn cố đế, đáp ứng "các nhu cầu xa xưa nhất, mạnh mẽ nhất và cấp bách nhất của
nhân loại". Freud gọi đó là niềm tin trước hết bị thúc đẩy bởi ước muốn thực hiện
một ảo tưởng. Ông chỉ ra rằng ảo tưởng không phải là cùng một thứ với sai lầm.
Một số sai lầm không phải là ảo tưởng, và một số ảo tưởng không phải là sai lầm.
Niềm tin của Aristote cho rằng sâu bọ tự động phát từ phân thú vật, là một sai
lầm, song không phải là ảo tưởng vì không bị thúc đẩy bởi ước muốn thực hiện
điều mơ ước. Niềm tin của một thiếu nữ quê mùa, tin rằng cô muốn kết hôn với
một hoàng tử đẹp trai, có thể đúng là một ảo tưởng, nhưng một cuộc hôn nhân