Cũng thế, vấn đề chẳng hề đơn giản từ quan điểm triết lý bởi ta phải hiểu những
hậu quả của việc biến đổi cách thức mà vật lý khách thể hoá, những hiện tượng
mà chúng biến đổi thành những đối tượng của tri thức. Vật lý cổ điển xem xét hai
loại đối tượng, những hạt và những sóng, và gán cho chúng những đường kinh
đường vĩ, những đạn đạo tuyến, những tiến hoá nhân quả. Trong vật lý lượng tử,
các đối tượng không phải là sóng cũng không phải là hạt, và ngay cả khái niệm
đạn đạo tuyến (trajectoire) cũng mất đi mọi ý nghĩa trực quan. Cơ học lượng tử
khước từ điều mà các nhà vật lý Đức gọi là Anschaulichkeit nghĩa là tính cách
trực quan của một lý thuyết vật lý nó giả thiết khả năng một sự biểu thị những
hiện tượng tự nhiên trong không gian và thời gian bình thường. Thực tế là các đối
tượng được tạo dựng như những đơn vị trừu tượng với sự hội tụ những kết quả
thống kê nhận được trong những điều kiện thực nghiệm khác nhau, đôi khi bất
tương dung và chính những định luật của thiên nhiên cũng là những định luật
thống kê. Năm 1927 Bohr đã đề xuất ý niệm gọi là tính bổ túc (la
complémentarité) mối tương quan tồn tại trong vật lý lượng tử giữa những khái
niệm cổ điển mà việc sử dụng đồng thời trở nên mâu thuẫn nếu người ta muốn áp
dụng chúng vào những tiến trình của một hạt. Theo quan điểm của ông, tính bổ
túc diễn tả một trạng thái kép của sự vật: một đàng, những khái niệm của vật lý
cổ điển không còn có thể được dùng theo cách đơn nghĩa như là diễn tả những
đặc tính của các đối tượng bản thể thường trực; đàng khác, không một diễn từ nào
có thể bỏ qua những khái niệm này và sự neo chặt của chúng vào ngôn ngữ
thường ngày, bởi vì sự biểu thị của chúng ta về những kết quả kinh nghiệm vẫn
còn là một biểu tượng trong không gian và thời gian bình thường. Việc đưa vào
công trình tính bổ túc đối với Bohr như vậy là đem xếp bên cạnh nhau những
quan điểm khác nhau để đi đến chỗ nói về các đối tượng, những vật quy chiếu
đơn thuần của những biểu tượng toán học của lý thuyết lượng tử, mà bản thân
chúng không thể được giải thích trong hình học bình thường.
Catherine CHEVALLEY.
MARCEL
(1889 - 1973)