TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI - Trang 1849

của ông xem ra có phần mong manh hơn, biến tế hơn và bị tranh cãi nhiều hơn,
Sartre vẫn không ngừng giữ một vai trò hàng đầu trong đời sống trí thức nước
Pháp và trong những cuộc tranh luận lớn về văn học, chính trị và ý thức hệ của
thời đại. Tất cả những hoạt động đa dạng này dựa trên một "dấu ấn triết lý"
(engagement philosophique) của một triết lý dấn thân (philosophie de
l’engagement) một triết lý về tự do (philosophie de la liberté); một tự do càng
tuyệt đối và bất khả giản lược mà nó biết từ căn cơ bẩm sinh là phải thoả hiệp và
bị ném vào trong cõi trần gian dày đặc và mờ mịt; một tự do có ý thức là "tự do
trong hoàn cảnh" (liberté en situation) và do đó bị phơi bày cho mọi hình dung cụ
thể của "nguỵ tín" (la mauvaise foi), của ngộ nhận (le malentendu) của "sự hèn
nhát" (la lâcheté) của "sự thoả hiệp" (la compromission) và của những "hàm hồ
lưỡng nghĩa" (les ambiguités) vốn là số phần của một "hiện hữu" (existence) và
của một "thực tại người" (réalité humaine) tự căn cơ đã bị dâng hiến cho tia nhìn
của tha nhân (le regard des autres) cho tính không trung thực (l’inauthenticité) và
cho những sức nặng lịch sử của cái mà bộ Phê phán Lý tính Biện chứng sẽ gọi là
"thực tiễn quán tính" (le pratico_inerte).

Được chuẩn bị bởi những nghiên cứu về "tâm lý học hiện tượng luận"
(psychologie phénoménologique) từ cuối những năm 1930 (Tưởng tượng, 1936;
Phác thảo một lý thuyết về xúc cảm, 1939…) tác phẩm chính sẽ thành lập, về
phương diện hiện tượng học và hữu thể học thế giới quan của Sartre, cũng như
bầu không khí tinh thần và trí thức của "thái độ hiện sinh" (l’attitude
existentialiste) đó là quyển Hữu thể và Hư vô (1943).

Phần kia trong sự nghiệp triết học của Sartre cốt yếu nằm trong công trình độc
đáo biểu thị bởi bộ Phê phán Lý tính Biện chứng (mà quyển đầu ra mắt năm 1960
còn quyển nhì, dang dở, được xuất bản như di tác, vào năm 1985) cũng như trong
bộ ba quyển dành cho cuộc đời và sự nghiệp của Flaubert dưới cái tựa Chàng
ngốc trong gia đình (L’Idiot de la famille). Trong những tác phẩm cuối cùng này,
Sartre phân tích cách thức cụ thể mà tự do của con người tìm kiếm đường đi của
nó trong cõi hỗn mang mờ mịt của tồn sinh, của hiện hữu nhập thể, xã hội, lịch sử
cụ thể, mà cuối cùng tự do bị "dính bẫy vào" (s’engluer) và bị tiêu tan.

HỮU THỂ VÀ HƯ VÔ

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.