lầm. Mô tả lý tưởng của người nói dối sẽ là một ý thức bất chấp đạo lý, khẳng
định sự thật trong chính mình, phủ nhận nó trong lời nói, và phủ nhận chính sự
phủ nhận. Vậy thái độ phủ định kép này dựa trên sự siêu nghiệm; sự kiện được
diễn tả thì siêu nghiệm vì nó không hiện hữu, và sự phủ định nguyên thuỷ dựa
trên một sự thật; nghĩa là dựa trên một kiểu siêu nghiệm đặc thù. Còn về sự phủ
định bên trong mà tôi thực hiện song song với sự khẳng định sự thật cho chính
tôi, điều này dựa trên lời nói, nghĩa là dựa trên một sự kiện trong thế giới. Hơn
nữa, tình trạng nội tâm của người nói dối là tích cực; nó có thể là đối tượng của
một phán đoán khẳng định. Người nói dối có ý lừa dối và không tìm cách che dấu
ý hướng này với chính mình hay nguỵ trang sự trong sáng của ý thức; ngược lại,
họ cần đến nó khi có vấn đề phải quyết định một thái độ phụ. Nó minh nhiên thể
hiện một sự kiểm soát quy phạm đối với mọi thái độ. Còn về ý hướng được phô
bày ra bên ngoài về việc nói sự thật ("Tôi không bao giờ muốn lừa dối bạn! Đúng
vậy! Tôi thề mà!") - đương nhiên tất cả những điều này là đối tượng của một sự
phủ định bên trong, nhưng nó cũng không được người nói dối nhìn nhận như là ý
hướng của họ. Nó được đóng kịch, bắt chước, nó là ý hướng của nhân vật mà họ
đóng trước mắt người hỏi họ, nhưng nhân vật này, chính bởi vì nó không tồn tại,
nên nó là siêu nghiệm. Như thế lời nói dối không đưa vào trong vở kịch cấu trúc
nội tại của ý thức hiện tại; tất cả những sự phủ định tạo ra nó đều đụng đến các
đối tượng mà do sự kiện này bị loại bỏ khỏi ý thức. Lời nói dối lúc ấy không cần
đến một nền tảng bản thể học đặc biệt, và những giải thích mà sự tồn tại của phủ
định nói chung đòi hỏi là hợp pháp mà không có sự thay đổi trong trường hợp bị
lừa dối. Tuy nhiên chúng tôi đã mô tả lời nói dối lý tưởng; chắc hẳn thường xảy
ra chuyện người nói dối ít nhiều trở thành nạn nhân lời nói dối của mình, rằng họ
một nửa tin vào lời nói dối ấy. Nhưng các hình thức nói dối thông thường này
cũng là những khía cạnh thoái hoá của nó; chúng biểu thị các tình trạng ở giữa sự
giả trá và nguỵ tín. Nói dối là một thái độ của cái siêu nghiệm.
Nói dối cũng là một hiện tượng bình thường của cái mà Heidegger gọi là
"Mitsein" ["hiện hữu với" người khác]. Nó giả thiết sự hiện hữu của tôi, sự hiện
hữu của Người Khác, sự hiện hữu cho người khác, và sự hiện hữu của người khác
cho tôi. Như thế không có khó khăn khi cho rằng người nói dối phải làm cho kế
hoạch của lời nói dối hoàn toàn rõ ràng và họ phải có một sự thấu hiểu hoàn toàn
về lời nói dối và về sự thật mà họ đang thay đổi. Chỉ cần có một sự lờ mờ chung