TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI - Trang 1857

hợp lý. Nhưng nguỵ tín không muốn phối hợp chúng cũng không muốn vượt qua
chúng trong một tổng hợp. Nguỵ tín tìm cách khẳng định bản sắc của cả hai trong
khi duy trì các khác biệt của chúng. Nó phải khẳng định tính sự kiện như là hiện
hữu trong tính siêu việt và khẳng định tính siêu việt như là hiện hữu trong tính sự
kiện, sao cho vừa khi một người cảm nhận được cái này, thì họ đồng thời có thể
thấy mình đột nhiên đối diện với cái kia.

Chúng ta có thể thấy các khuôn mẫu diễn tả ý đồ xấu trong một số cách diễn tả
nổi tiếng đã được nghĩ ra một cách đúng đắn để tạo ra tất cả hiệu quả của nó
trong một tinh thần của nguỵ tín. Lấy ví dụ tựa đề một tác phẩm của Jacques
Chardonne, Tình yêu còn hơn cả tình yêu (L’amour c’est baeucoup plus que
l’amour). Ở đây chúng ta thấy sự thống nhất được thiết lập như thế nào giữa tình
yêu hiện tại trong kiện tính của nó - "sự đụng chạm của hai da thịt", nhục cảm,
ích kỷ, cơ chế ghen tuông của Proust, đấu tranh giới tính của Adler, v.v… - và
tình yêu như là siêu việt tính - "con sông lửa" của Mauriac, khát vọng cái vô biên,
eros của Platon, trực quan vũ trụ của Lawrence, v.v… Ở đây, chúng ta rời bỏ lãnh
vực kiện tính để thấy mình đột ngột bước vượt qua bên kia cái hiện tại và thân
phận kiện tính của con người, vượt qua cái tâm lý để đi vào giữa lòng cái siêu
hình. Ngược lại, tựa đề một vở kịch của Sarment, Tôi quá vĩ đại đối với chính
mình (Je suis trop grand pour moi) cũng trình bày các nhân vật có nguỵ tín, thoạt
đầu ném chúng ta vào tất cả sự siêu việt để rồi bất ngờ giam hãm chúng ta trong
những ranh giới chật hẹp của bản chất kiện tính của chúng ta. Chúng ta sẽ phát
hiện ra cấu trúc này một lần nữa trong câu nói thời danh: "Hắn đã trở thành y như
trước kia" hay trong câu nói ngược lại: "Sau cùng cái vĩnh cửu thay đổi mỗi
người trở thành chính mình". Chúng ta hiểu rõ rằng các câu nói này chỉ có vẻ bề
ngoài của nguỵ tín; chúng đã được nghĩ ra dưới dạng nghịch lý này rõ ràng là
nhằm tạo ấn tượng cho tâm trí và làm nó bối rối bằng một ẩn dụ. Nhưng chính vẻ
bề ngoài này là cái chúng ta quan tâm. Điều quan trọng ở đây là các câu nói ấy
không tạo nên những ý niệm mới, có cấu trúc chắc chắn; ngược lại, chúng được
diễn tả để duy trì sự phân hoá vĩnh viễn và để chúng ta bất cứ lúc nào cũng có thể
chuyển đột ngột từ cái hiện tại tự nhiên sang cái siêu việt và ngược lại.

"Niềm tin" của nguỵ tín (La foi de la mauvaise foi)

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.