như thuyết siêu thực, nên loại người thích tai tiếng và náo động quay sang triết
học này mà về những phương diện khác nó hoàn toàn không phục vụ các mục
đích của họ trong lãnh vực này.
Thực ra, nó là học thuyết ít tai tiếng nhất, là học thuyết nghiêm khắc nhất. Nó
hoàn toàn dành cho các nhà chuyên môn và các nhà triết học. Nhưng nó có thể
định nghĩa dễ dàng. Điều phức tạp là ở chỗ có hai loại triết gia hiện sinh; loại thứ
nhất gồm các nhà hiện sinh Kitô giáo, trong đó tôi phải kể Jaspers và Gabriel
Marcel, cả hai đều là Công Giáo; và loại thứ hai là các nhà hiện sinh vô thần,
trong số đó tôi phải kể Heidegger, rồi các nhà hiện sinh Pháp và bản thân tôi. Họ
có chung một điểm là họ nghĩ rằng hiện hữu có trước yếu tính, hay nếu bạn thích,
họ cho rằng chủ thể tính phải là điểm xuất phát.
Chính xác thì điều đó có nghĩa là gì? Chúng ta hãy xem một đồ vật nào đó được
chế tạo, ví dụ, một quyển sách hay một con dao xén giấy: đây là một đồ vật đã
được chế tạo bởi một người thợ lấy ý tưởng từ một khái niệm. Anh ta nghĩ tới
khái niệm một con dao xén giấy là gì, và cũng nghĩ tới một phương pháp chế tạo
đã biết, là một phần của khái niệm, một cái gì đã trở thành quy trình phổ biến.
Như thế con dao xén giấy vừa là một đồ vật được sản xuất theo một cách nào đó,
vừa là một đồ vật có một công dụng đặc biệt; và không thể có một người làm ra
con dao xén giấy mà không biết nó dùng để làm gì. Vì vậy, chúng ta hãy nói rằng
đối với con dao xén giấy, yếu tính nghĩa là tập hợp của cả quy trình sản xuất lẫn
các thuộc tính làm cho nó vừa được sản xuất vừa được xác định đi trước hiện
hữu. Như thế, sự hiện diện của con dao xén giấy hay quyển sách ở trước mặt tôi
được xác định. Do đó, chúng ta có ở đây một quan niệm chuyên môn về thế giới,
theo đó có thể nói là sản xuất đi trước hiện hữu.
Khi chúng ta quan niệm Thượng Đế như là Tạo Hoá, chúng ta thường nghĩ về
Ngài như một người thợ thủ công tài nghệ cao siêu. Dù là theo học thuyết của
Descartes hay Leibniz, chúng ta luôn giả thiết rằng ý muốn hầu như theo sau
nhận thức, hay ít là đi cùng nhận thức, và khi Thượng đế tạo dựng, Ngài biết đích
xác Ngài đang tạo dựng cái gì. Như thế, khái niệm về con người trong trí khôn
Thượng Đế cũng giống như khái niệm về con dao xén giấy trong trí khôn người
chế tạo nó, và theo một số kỹ thuật và một khái niệm, Thượng Đế tạo ra con
người, giống như người thợ thủ công, theo một định nghĩa và một kỹ thuật, làm ra