TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI - Trang 1870

không thể nối kết chính xác với khung cảnh được tri giác, và tuy nhiên tôi lại đặt
tức khắc trong thế giới, mà không bao giờ lẫn lộn chúng với những mơ mộng của
tôi. Và từng mỗi khoảnh khắc tôi cũng mơ mộng xung quanh các đồ vật, tôi
tưởng tượng những đối vật hay những con người mà sự hiện diện ở đây không
phải là bất tương dung với khung cảnh, và tuy thế chúng không hề trộn lẫn vào
thế giới, chúng đi trước thế giới, trên sân khấu của cái tưởng tượng. Nếu thực tại
của tri giác tôi chỉ được thiết lập trên tính mạch lạc nội tại của những "biểu
tượng", thì nó luôn luôn sẽ phải do dự và bị đẩy vào những phỏng đoán lơ mơ,
vào mỗi lúc tôi sẽ phải tháo dỡ những tổng hợp ảo tưởng và tái hội nhập vào thực
tại những hiện tượng sai lạc mà lúc đầu tôi đã loại bỏ. Nhưng đâu phải thế. Thực
tại là một tấm màn chắc chắn, nó không đợi những phán đoán của chúng ta để sáp
nhập những hiện tượng kỳ lạ nhất cũng không bác bỏ những tưởng tượng có vẻ
giống như thực nhất của chúng ta. Tri giác không phải là một khoa học về thế
giới, ngay cả cũng không phải là một hành vi, một cách chọn lập trường tuỳ ý, nó
là cái nền trên đó mọi hành vi, thoát ra và nó được tiền giả định bởi chúng. Thế
giới không phải là một đối tượng mà tôi có được định luật cấu tạo, nó là môi
trường tự nhiên và trường hoạt động của mọi tư tưởng của tôi và của mọi tri giác
minh nhiên của tôi. Chân lý không chỉ cư ngụ nơi "con người nội tâm", hay đúng
hơn không có con người nội tâm, con người là trong thế giới (l’homme est au
monde), chính trong thế giới mà con người tự tri. Khi tôi quay về với chính mình
từ thái độ giáo điều của thức giác thông thường (le sens commun) hay từ thái độ
giáo điều của khoa học, tôi tìm thấy không phải một tổ ấm của chân lý nội tại, mà
là một chủ thể hiến dâng cho thế giới (un sujet voué au monde).

Maurice MERLEAU-PONTY, Hiện tượng học tri giác, tr.IV - V.

1. Hãy trở về trong chính anh; chân lý tàng ẩn nơi chốn mật nhiệm sâu xa nhất
của con người ám chỉ đến học thuyết của Husserl về "sự tạo thành có ý hướng"
(chứ không phải thực tại) thế giới bởi ý thức siêu nghiệm.

2. Theo Husserl, tri giác đưa về một "tổng hợp thụ động" có tính tiền_thuộc_từ
(antéprédicative, nghĩa là có trước mọi phán đoán minh nhiên).

Phê bình ý niệm cảm giác

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.