làm nổi bật lên tính hiện đại. Đó là nguyên liệu và phong cách đặc trưng của
những tác phẩm cuối: Về sự kiến giải, Sự xung đột trong các kiến giải và An dụ
sinh động (La Métaphore vive) cũng như các khảo cứu dành cho tính tự sự (la
narrativeté) trong bộ ba quyển Thời gian và truyện kể (Temps et Récit).
SỰ XUNG ĐỘT CỦA NHỮNG KIẾN GIẢI
(Le conflit des Interprétations, 1969)
Những khảo luận tường chú học này được dành cho nhiều vấn đề về kiến giải,
chúng xem xét một cách có ý nghĩa tính đa dạng, đôi khi xung đột nhau, của
những phương pháp kiến giải tác phẩm trong lãnh vực khoa học nhân văn, trong
phân tâm học, trong triết học hay thần học, cũng như trong "các biểu tượng của
cái ác" (la symbolique du mal). Ở đó tác giả trình bày những suy tư về những cái
được /mất về phương diện triết học (les enjeux philosophiques) từ những xung
đột trong những kiểu kiến giải này, riêng thuộc về một thời đại (tính hiện đại) mà
ông thấy hình như là bị chế ngự bởi chủ nghĩa cấu trúc (le structuralisme) thoát
thai từ những bậc thầy hoài nghi (Nietzche, Marx và Freud). Ông đem đối lập lại
khuynh hướng này ý tưởng về một tường chú học triết lý quan tâm đến việc để
mở cho con người hiện đại vừa chiều kích của niềm tin tôn giáo vừa chiều kích
của cuộc trưng cầu triết học về ý nghĩa, nhưng được thông báo về những cái
được/ mất, những vinh quang và những cách thức phương pháp luận của các khoa
học nhân văn.
Tường chú học các biểu tượng và suy tư triết lý (Herméneutique des symboles et
réflexion philosophique)
Ở đây Paul Ricoeur suy niệm về tinh thần của những công trình nghiên cứu hiện
đại nhắm đến việc tạo ra một cách kiến giải những biểu tượng lưu hành trong thế
giới những huyền thoại thuở xưa, trong lịch sử các tôn giáo, trong nhân loại học
và trong những miền sâu của tâm hồn nhân loại. Nếu con người hiện đại, song
song với sự phát triển của các khoa học thực chứng và kỹ thuật, vẫn không vì thế
mà ít bận tâm hơn đến lãnh vực khoa học nhân văn và những bộ môn tường chú
học, với sự nở rộ của nhiều phương pháp và cách tiếp cận đa dạng, đó là vì "biểu
tượng khiến ta phải suy nghĩ" và con người hiện đại nhất, người đương thời với