trống rỗng ngôn ngữ và cả khả tính làm đầy trở lại ngôn ngữ. Như vậy không
phải là sự tiếc nuối những lục địa đã sụp đổ xuống lòng biển cả nó kích hoạt
chúng ta, mà chính là hy vọng về một cuộc sáng tạo lại ngôn ngữ, bên kia sa mạc
của phê bình, chúng ta lại muốn được trao lời.
"Biểu tượng ban tặng suy tư" (le symbole donne à penser): câu nói này làm tôi
mê thích, nói lên hai điều; biểu tượng ban tặng; tôi không đặt ra ý nghĩa; nhưng
cái mà nó ban tặng, là để suy tư, cái để ta suy tư. Từ sự ban tặng, có sự đặt ra;
như vậy câu nói đồng thời gợi lên mọi sự đã được nói ra, nhưng bằng ẩn ngữ và
tuy nhiên vẫn phải luôn luôn bắt đầu và bắt đầu lại tất cả trong chiều kích của suy
tư. Chính cách phát âm này của tư tưởng được ban tặng cho chính nó nơi vương
quốc những biểu tượng và của tư tưởng mà tôi muốn nắm bắt và thấu hiểu.
Paul RICOEUR, Sự xung đột giữa những kiến giải, Những khảo luận
tường chú học, Tr.283-284.
* Herméneutique, theo quyển Vocabulaire technique et critique de la philosophie,
của André Lalande, nghĩa là: "việc giải thích những bản văn triết lý hay tôn giáo
và nhất là giải thích kinh thánh. Từ này đặc biệt áp dụng vào việc giải thích
những cái gì có tính tượng trưng". Trước kia, giáo sư Lê Tôn Nghiêm dịch là
"thông diễn học"; sau này dịch giả Bùi Văn Nam Sơn lại dùng từ "giải minh học".
Chúng tôi (P.Q.Đ) dựa vào định nghĩa của Lalande, cùng những bản văn của
Ricoeur, của Gadamer… xin đề xuất cách dịch bằng nhóm từ "tường chú học".
1 Ám chỉ đến cách đặt vấn đề của Husserl về "sự khởi đầu triệt để" (le
commencement radical)
2. Ám chỉ đến học thuyết của Socrate về "hồi niệm" (la réminiscence) - (Platon-
Ménon).
3. Vấn đề là lập ra một triết học nó sẽ đảm đương tình cảnh của con người hiện
đại.
4. Những biểu thị của cái thiêng liêng.