thường với thế giới mà họ tin là họ lãnh hội được một cách khách quan, trong khi
họ coi cơ thể đàn bà như một sự cản trở, một nhà tù, bị đè nặng xuống bởi tất cả
tính chất đặc thù của nó. Aristote nói: "Phụ nữ là phụ nữ bởi sự thiếu sót một số
đức tính, và chúng ta phải coi bản chất phụ nữ như có một sự khiếm khuyết tự
nhiên". Và Thánh Thomas về phần mình đã tuyên bố đàn bà là một người không
hoàn hảo, một hữu thể "tuỳ thuộc". Quan niệm này được biểu tượng trong sách
Sáng thế trong đó, bà Eva được mô tả là được làm từ cái mà Bossuel gọi là "một
cái xương thừa" của Adam.
Như thế con người là nam và nữ, như đã định nghĩa đàn bà không phải nơi bản
thân họ mà trong tương quan với đàn ông; họ không được coi là một hữu thể tự
tại. Michelet viết: "Đàn bà, hữu thể tương đối…" và Benda còn bạo miệng nói
trong tường trình của Uriel: "Thân xác đàn ông có ý nghĩa tự tại không liên hệ gì
tới đàn bà, trong khi đàn bà hình như thiếu ý nghĩa tự tại… Đàn ông có thể tự
nghĩ về mình mà không cần đàn bà. Đàn bà không thể tự nghĩ về mình mà không
có đàn ông". Và đàn bà là như thế nào là hoàn toàn do đàn ông quyết định; cho
nên họ được gọi là "cái giới", (le sexe), theo nghĩa là đàn ông nhìn họ theo nghĩa
cơ bản như là một hữu thể giới tính. Đối với đàn ông, đàn bà là giới tính_giới tính
tuyệt đối, không kém. Đàn bà được định nghĩa và phân biệt bằng cách qui chiếu
về đàn bà; đàn bà là cái phụ thuộc, cái không cốt yếu, đối với cái cốt yếu. Đàn
ông là Chủ thể, là Tuyệt đối_đàn bà là Cái khác.
Phạm trù cái khác là phạm trù cũng sơ đẳng như chính ý thức. Trong các xã hội
sơ khai nhất, trong các truyện thần thoại cổ xưa nhất, chúng ta thấy biểu tượng
nhị nguyên_biểu tượng về Chủ thể và Cái khác, hay Ngã và Tha. Tự nguồn gốc
nhị nguyên này không được liên kết với việc phân chia giới tính; nó không căn cứ
trên bất cứ sự kiện kinh nghiệm nào. Nó được bộc lộ trong các tác phẩm như tác
phẩm của Granet về tư tưởng Trung Quốc và các tác phẩm của Dumézil về Đông
Ấn và Roma. Yếu tố giống cái lúc ban đầu không có liên quan trong các cặp như
Varuna-Mitra, Uranus-Zeus, Trời-Trăng, và Ngày-Đêm, cũng như nó không có
liên quan trong các cặp tương phản giữa Thiện và Ác, may và rủi, phải và trái,
Thượng Đế và Quỉ Thần. Cái Khác là một phạm trù cơ bản của tư tưởng con
người.