ra. Lý do tại sao "cái khác" trong trường hợp này hình như là một cái tuyệt đối,
một phần là vì nó thiếu tính chất tuỳ thuộc hay ngẫu nhiên trong các sự kiện lịch
sử. Một điều kiện được tạo ra ở một thời nào đó có thể bị huỷ bỏ ở một thời khác
như những người da đen ở Haiti đã chứng minh; nhưng có vẻ như một điều kiện
tự nhiên thì không thể thay đổi. Tuy nhiên trong thực tế, bản chất các sự vật
không phải là một cái gì bất di dịch, được cho thế nào thì cứ tồn tại như thế, và
thực tại lịch sử cũng vậy. Nếu đàn bà có vẻ là một cái gì không thiết yếu và không
bao giờ trở thành thiết yếu, đó là vì bản thân họ không làm được sự thay đổi này.
Giới vô sản nói, "Chúng ta". Người Mỹ da đen cũng nói thế. Họ tự coi mình là
những chủ thể, họ biến đổi những người tư sản, da trắng thành những "người
khác". Nhưng phụ nữ không nói "Chúng ta" trừ ở vài cuộc hội nghị về quyền lợi
phụ nữ hay những cuộc biểu tình hình thức giống thế; đàn ông nói "đàn bà" và
phụ nữ cũng dùng cùng từ này để nói về chính mình. Họ không gánh lấy một thái
độ của những chủ thể. Các người vô sản đã hoàn thành cuộc cách mạng ở Nga,
người Mỹ da đen ở Haiti, người Đông Dương đang đấu tranh vì cách mạng ở
Đông Dương; nhưng các cố gắng của phụ nữ vẫn không bao giờ là một cái gì hơn
chỉ là một sự khuấy động mang tính chất biểu tượng. Họ đã chỉ đạt được những gì
mà đàn ông muốn ban phát; họ đã không giành được cái gì, họ chỉ đón nhận.
Lý do của điều này là vì phụ nữ thiếu các phương tiện cụ thể để tự tổ chức thành
một đơn vị để có thể đối đầu với đơn vị tương ứng. Họ không có quá khứ, không
có lịch sử, không có tôn giáo riêng của họ; và họ không có sự liên đới của lao
động và quan tâm như của giai cấp vô sản. Họ thậm chí cũng không tụ tập lại một
cách ô hợp theo kiểu tạo thành một tình cảm tập thể của những khu người Mỹ da
đen, những "ghetto" Do Thái, những công nhân ở Saint-Denis, hay những khu
nhà máy của hãng Renault. Họ sống rải rác giữa đàn ông, và về nơi cư trú, việc
nội trợ, điều kiện kinh tế, và địa vị xã hội họ bị trói chặt vào một số người đàn
ông-cha hay chồng bằng sợi dây chặt hơn là đối với những người khác cùng là
đàn bà với họ. Nếu họ thuộc giai cấp tư sản, họ cảm thấy liên đới với những
người đàn ông của giai cấp ấy, chứ không với những phụ nữ vô sản; nếu họ là da
trắng, họ liên kết với những người đàn ông da trắng, chứ không với những phụ nữ
da đen. Giai cấp vô sản có thể đề nghị tàn sát giai cấp cai trị, và một người Do
Thái hay một người da đen đủ cuồng tín có thể nghĩ đến chuyện dùng một quả
bom nguyên tử để làm cho loài người chỉ còn hoàn toàn là người Do Thái hay da