2. Chủ nghĩa khắc kỷ trung bình kể ra những cái đáng ưa chuộng (les préférables)
Định mệnh và tự do
Trách nhiệm và tự do gắn liền nhau. Quan niệm của phái khắc kỷ về tự do của
bậc hiền nhân giả thiết sự tán đồng của ông đối với trật tự thiên nhiên và mang
tính quan phòng (l’ordre naturel et providentiel) mà phái khắc kỷ gọi là định
mệnh (destin).
THÁNH HIPPOLYTE (Giám mục, người tử đạo, thế kỷ thứ ba)
Những người này (chỉ Chrysippe và Zénon de cittium) khẳng quyết rằng mọi sự
đều do số mệnh an bài, và họ đề xuất thí dụ sau đây: giả sử có một con chó bị
buộc dây vào cổ sau một chiếc xe bò, nếu nó bằng lòng theo chuyển động của
chiếc xe, nó đi theo thong dong; hành động tự trị của nó hoà nhịp với sự tất yếu.
Nếu nó muốn điều ngược lại, thì nó tất yếu bị cưỡng chế. Chuyện đó với con
người cũng thế: nếu nó không muốn đi theo, thì nó cũng tất yếu buộc phải đi theo
cái hướng mà định mệnh đã an bài, dầu có muốn vùng vẫy thế nào để thoát ra
cũng chẳng được.
Như vậy theo họ, tự do và tất yếu, định mệnh và nhân nguyện chỉ là một mà thôi.
THÁNH HYPPOLYTE, Những quan kiến triết lý.
CICÉRON (Nhà hùng biện và triết gia La Mã, thế kỷ thứ nhất tr.C.N.)
"Cũng như khi đẩy khối trụ người ta đã khởi động nó nhưng người ta không cho
nó đặc tính lăn tròn, cũng vậy biểu thị chắc chắn sẽ ghi dấu ấn mô thể của nó
trong tâm hồn, nhưng tán đồng hay không là thuộc quyền chúng ta; cái khối hình
trụ, chịu tác động của ngoại lực, sẽ chuyển động bằng chính lực và bản tính của
nó. Nếu có một vật được tạo ra mà không có nguyên nhân nào trước đó, thì có lý
do gì để không thừa nhận rằng tất cả xảy ra bởi định mệnh, miễn rằng người ta
hiểu rõ sự phân biệt và sự khác nhau giữa các nguyên nhân. (1)"
CICÉRON, Về định mệnh.